Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Người túc trí đa mưu: 3 không hỏi, 5 không nói

Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.

Tô Đông Pha, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống từng nói "đại dũng nhã khiếp, đại trí nhã ngu", ý muốn nói, kẻ dũng mãnh thực sự bề ngoài trông có vẻ nhát gan, kẻ trí tuệ đích thực bề ngoài trông lại giống như một tên ngốc.
Ông cũng nói "người thông minh, không tranh nghĩa khí nhất thời".
Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.

3 không hỏi

1. Không liên quan đến bạn, đừng hỏi
Có người nói, thế gian này chỉ tồn tại hai chuyện: chuyện liên quan tới bạn, chuyện liên quan tới tôi.
Con người thường có xu hướng quan trọng hóa bản thân, cho rằng trái đất không có mình sẽ ngừng quay. Thực ra, bạn không quan trọng tới vậy, trái đất không có bạn vẫn sẽ quay đều, người khác không có bạn vẫn có thể sống tốt.
Chuyện không liên quan tới bạn, đừng cứ đâm đầu đi nghe ngóng cho bằng được. Có thể bạn có ý tốt, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được ý tốt đó của bạn, lòng tốt của bạn lỡ làm mọi chuyện xấu đi, vậy thì không những sẽ thêm rắc rối cho người khác mà bản thân cũng chẳng thể yên.
2. Tương lai bất định, không hỏi
Người Trung Quốc có câu nói "muộn thanh phát đại tài", ý muốn nói, đôi khi, im lặng, không khoa trương là một cách để bảo vệ lợi ích của bản thân, đối với những việc chưa biết trong tương lai, tốt nhất đừng nên hỏi đông hỏi tây, cứ tiếp tục âm thầm nỗ lực là được.
Chẳng ai có thể nắm bắt được tương lai, thứ chúng ta có thể làm tốt chính là nắm chắc hiện tại.
Đối với những chuyện chưa xảy ra, vội vàng thăm dò, nghe ngóng ngược lại sẽ chỉ khiến mình thêm hoang mang, tâm trạng bị nhiễu loạn, làm việc không thể chuyên tâm, hiện tại không thể chuyên tâm nỗ lực, tương lai vĩnh viễn sẽ chỉ là ảo tưởng.
Ngạn ngữ dân gian Trung Quốc có nói: "đản hành hảo sự, mạc vấn tiền trình", làm tốt chuyện nên làm, nỗ lực cho hiện tại, không hỏi tương lai, không vấn vương quá khứ.
3. Truy cứu tới cùng, không hỏi
Trong học tập, hỏi tới cùng là rất tốt, nhưng trong cuộc sống, truy cứu tới cùng ngược lại sẽ làm tổn thương tình cảm.
"Nước trong không có cá, người quá tò mò không ai chơi", đào tới tận gốc rễ vấn đề, đào càng sâu, vết thương càng lớn.
Hồ đồ là một môn học, đôi khi, giả ngốc, mắt nhắm mắt mở ngược lại lại là một sự bảo vệ. Đối với những việc người khác không muốn bạn biết, vậy thì đừng hỏi tới cùng, cứ nhất thiết phải làm rõ trắng đen mới thôi.
Thế giới không phải trắng đen rõ ràng, giữa trắng và đen còn tồn tại một mảng màu xám.
Bất luận là bạn bè hay người yêu, bất luận là cha mẹ hay con cái, ai cũng đều cần có một không gian hít thở riêng, cũng có những bí mật, cảm xúc không thể nói ra, bạn hiểu là được rồi.

5 không nói

1. Lời vô nghĩa
Lời nói tuy không sắc nhọn nhưng vẫn có thể giết chết một con người.
Người thông minh không nói những điều vô ích, cũng chẳng quan tâm mấy lời vô nghĩa. Lúc rảnh rỗi chi bằng nhìn lại bản thân nhiều hơn, mấy lời nói vô nghĩa chỉ càng làm tốn thời gian.
Lãng phí thời gian là một hành động tự sát chậm rãi, lãng phí thời gian của người khác lại là mưu tài hại mệnh họ.
Người thông minh là những người điều khiển thời gian, mỗi giây mỗi phút, mỗi lời nói ra đều là vàng ngọc, không nói những lời vớ vẩn không đâu.
2. Tiếng lòng
Phàm là nói chuyện với ai, cũng chỉ nên nói 3 phần, đừng dại mà "móc cả trái tim" của mình ra cho người khác thấy.
Vẽ người vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Lòng người cách một lớp da, da người dày mỏng khó đoán, đôi khi những lời thật lòng của bạn lại trở thành con dao người khác dùng để găm vào chính bạn.
Quen biết thì ít mà lời nói ra thì nhiều là đại kị của con người, đừng cứ gặp ai đều ngay lập tức xem là bạn tốt, đừng mang tất cả những lời trong lòng ra nói với người khác.
Quá trình trưởng thành của con người chính là quá trình hiểu ra thế giới vốn dĩ là sự cô đơn, độc lập.
Bớt móc hết tâm can của mình ra cho người khác xem, những chia sẻ, tâm sự của bạn, không phải ai cũng trân trọng, đôi khi nó chỉ là trò cười trong mắt người khác.
Dẫu sao, lời trong lòng cần nói với người thực sự hiểu và muốn hiểu.
3. Lời ca thán
Mất bò làm chuồng chẳng cứu vãn, oán thiên hận người có ích chi. Bớt ca thán, oán than, gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ chính mình.
Ngưỡng mộ người khác, được, nhưng ngưỡng mộ không được trở thành đố kị. Ngưỡng mộ đơn thuần sẽ trở thành động lực thúc bạn tiến về phía trước, không ngừng phấn đấu.
Nhưng ngưỡng mộ khi bị biến chất trở thành đố kị, vậy thì tâm lý sẽ nảy sinh sự mất cân bằng, hành vi sẽ trở nên lệch lạc.
Bớt ca thán lại, đừng trở thành người lan tỏa năng lượng tiêu cực. Con người, ai cũng thích ánh mặt trời ấm áp, chẳng ai thích mây mù âm u. Lời oán thán nhiều rồi, bạn bè tự nhiên sẽ ít đi.
Có sức ngồi ca thán chi bằng bắt tay vào lao động cho có ích.
4. Lời giả dối
Giả không bao giờ có thể thành thật, dù có mỹ hóa tới đâu, lời nói giả dối rồi cũng sẽ có ngày bị xuyên thủng, cũng giống như bong bóng, dù dưới ánh mặt trời có đẹp đẽ tới đâu, rồi cũng sẽ bị nổ.
Người thông minh không nói lời giả tạo. Bạn nói một lời giả dối, phải dùng hàng trăm ngàn sự ngụy biện khác để "nặn tròn" nó, khiến nó trở nên hoàn hảo, cũng giống như lăn quả cầu tuyết vậy, càng lăn càng to, cuối cùng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Một lần bạn nói dối là một lần bạn để lại cho người khác một cái mác không đáng tin, mác gắn lên không dễ, tháo xuống lại càng khó.
5. Lời khoác lác
Biết người là kẻ trí tuệ, biết mình là người thông minh, con người, quý ở tự biết mình.
Người thông minh trước giờ không khoác lác, huênh hoang, không "chém gió". Họ không bao giờ tùy tiện hứa với người khác việc gì nằm ngoài khả năng của mình.
Chỉ người thông minh thực sự mới không để ý tới sĩ diện, không cần phải dùng sự khoác lác để lấp đầy sự hư vinh, sĩ diện hão của mình.
Không khoác lác, người quân tử, lời nói ra chắc như đinh đóng cột, chuyện không làm được nhất định không đồng ý.
Người thực sự thông minh trước giờ không biết mình có thể làm gì, mà biết mình không nên làm những gì.
Không phải lời nào cũng nói, cũng không phải việc gì cũng hỏi, khi bạn học được cách "ngậm miệng" đúng lúc là khi bạn nắm bắt được trí tuệ đời người.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

10 MẸO NHỎ THU HÚT VÀ CHINH PHỤC NGƯỜI ĐỐI DIỆN!

1. NẾU BẠN BIẾT TỎNG CÂU TRẢ LỜI ĐẤY LÀ NÓI DỐI:
…thì đừng nói gì hết. Đừng quát tháo, đừng giận dữ. Cứ nhìn thật lâu vào mắt người đó và im lặng. Động tác này sẽ khiến đối phương cảm thấy “nhột” và tội lỗi. 1 là họ sẽ im lặng, mà sự im lặng thì đồng nghĩa với việc biết chắc mình không thể nói dối được nữa. 2 là họ sẽ thú nhận.

2. NẾU AI ĐÓ ĐANG QUÁT VÀO MẶT BẠN:
… thì bạn hãy kiềm chế 1 chút, và đừng quát lại, cũng đừng gay gắt. Hãy biểu lộ rằng, bạn khá bất ngờ khi bị quát tháo, nhưng không vì vậy mà bạn mất bình tĩnh và cư xử không phép tắc như họ. Biểu hiện này sẽ giúp không khí bớt căng thẳng hơn và có thể, chính người quát tháo ấy sẽ là người xin lỗi bạn trước, vì thái độ không tốt.

3. NẾU AI ĐÓ ĐANG CHUẨN BỊ PHÊ BÌNH HAY NHẬN XÉT TIÊU CỰC VỀ BẠN:
… thì hãy nhẹ nhàng đứng hoặc ngồi sát bên họ, thu hẹp gần nhất khoảng cách có thể. Hành động này sẽ khiến họ lưu ý hơn lời ăn tiếng nói và có lối nhận xét kiềm chế hơn, bớt tiêu cực hơn. Nếu bạn đứng quá xa, họ sẽ cảm thấy cần “xả” rất nhiều lời chê về bạn.

4. KHI BẠN THẤY CĂNG THẲNG, LO LẮNG VÀ MUỐN THƯ GIẢN:
… thì hãy ăn. Không phải ngẫu nhiên mà một số người lo lắng thì thường hay nhai kẹo cao su. Động tác ăn sẽ giúp ôn hòa mọi chuyện. Không phải bữa ăn là thời điểm chúng ta thư giãn và thấy yên bình nhất trong ngày sao?

5. KHI BẠN THẤY CĂNG THẲNG TRƯỚC MỘT BUỔI PHỎNG VẤN:
… thì hãy tưởng tượng, người phỏng vấn bạn sắp gặp là 1 người bạn thân thiết. Và bạn sẽ nói gì với 1 người bạn – thay vì 1 người phỏng vấn cứng nhắc, nghiêm khắc như thường lệ?

6. NẾU BẠN MUỐN GÂY CHÚ Ý VỚI NGƯỜI BẠN THÍCH:
… hãy nhìn chăm chăm vào bất cứ thứ gì “có vẻ là đang ở sau vai người đó”. Khi nhận được tín hiệu và họ đưa mắt nhìn lại bạn, hãy nhìn thẳng vào mắt họ và mỉm cười nhẹ. Hoàn hảo!

7. MUỐN BIẾT AI ĐÓ THÍCH MÌNH HOẶC CẶP NÀO ĐANG THÍCH NHAU:
… thì hãy nhìn phản ứng của họ trong 1 nhóm, vào lúc mà cả nhóm đang cùng bật cười vì 1 câu chuyện nào đó. Khi cười, phản xạ của chúng ta sẽ đưa mắt đến người mà chúng ta thầm thích hoặc có thiện cảm. Bằng cách này, bạn sẽ phát hiện ra vô số điều thú vị đấy.

8. KHI MUỐN BẮT ĐẦU PHÁT TRIỂN MỘT MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP VỚI AI ĐÓ:
… thì hãy luôn mỉm cười và tỏ vẻ vui vẻ mỗi khi gặp họ. Gọi tên họ 1 cách chuẩn xác và nhẹ nhàng, chỉ hỏi 1-2 câu xã giao cần thiết và số lượng câu hỏi cũng như nội dung sẽ tăng dần theo thời gian. Luôn nhớ tử tế – đừng có mà đùng 1 ngày đẹp trời, người ta chào bạn xong bị bạn “bơ đẹp”.

9. NẾU CÔNG VIỆC CỦA BẠN LUÔN PHẢI TIẾP XÚC VÀ NÓI CHUYỆN VỚI MỌI NGƯỜI Ở VĂN PHÒNG:
… thì hãy đặt 1 tấm gương sau lưng bàn ngay tại bàn làm việc. Khi ai đó đến nói chuyện với bạn, họ sẽ “vô tình” nhìn vào gương và thấy sự phản chiếu khuôn mặt họ. Lúc này, tâm lý con người sẽ chỉ muốn hình ảnh trong gương kia là 1 hình ảnh dễ chịu, đáng mến. Vì vậy, họ sẽ tự động cư xử đúng mực với bạn.

10. KHI CẦN THỎA THUẬN/ YÊU CẦU HOẶC RA ĐIỀU KIỆN GÌ ĐÓ VỚI NGƯỜI KHÁC:
… hãy phóng đại điều kiện/ thỏa thuận đó lên 1 bậc và nói với 1 tông giọng hơi cao. Lúc này, người đối diện chắc chắn sẽ từ chối. Lúc đó, bạn hãy hạ giọng và đưa ra 1 yêu cầu “có vẻ” thấp hơn (nhưng thực ra, nó lại chính là yêu cầu ban đầu của bạn), đa số họ sẽ đồng ý. Con người có xu hướng chấp nhận những điều kiện nhỏ hơn những thứ to lớn khác mà họ từng từ chối.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

ĐÀN BÀ KHÔN - ĐÀN BÀ DẠI

Chọn gia đình hay chọn công việc? Liệu có thể chu toàn cả hai?
Ngày xưa, “đàn bà thì biết gì?”, chỉ quanh quẩn xó bếp, ăn rồi đẻ. Thế là “hoàn thành nghĩa vụ”.
Ngày nay, đàn bà vẫn đẻ rồi ăn. Nhưng có vẻ tầm nhìn đã xa hơn từ nhà ra bếp.
Phụ nữ ra ngoài kiếm tiền không còn là chuyện lạ. Nhưng lạ ở chỗ, một ngày vẫn chỉ có 24h, làm sao họ có thể cân bằng giữa chồng con, gia đình, cảm xúc và việc xã hội? Chưa kể việc dành ra một đống thời gian để đi làm đẹp … giữ chồng.
Nhất là khi thực hiện thiên chức làm mẹ, phụ nữ đã hy sinh rất nhiều thứ trong đó có sự nghiệp và cuộc sống riêng của mình.

Đàn bà dại thì tìm lí do. Đàn bà khôn họ rủ nhau tìm cách.
Và đây là cách mà “đàn bà khôn” họ thường làm:

1. Đàn bà khôn biết sắp xếp thời gian và có kế hoạch cho mọi việc.
Để không lãng phí thời gian cho nhiều việc vô bổ, lên một to-do list là điều vô cùng cần thiết và hữu ích. Việc quan trọng sắp xếp lên đầu, việc bớt quan trọng thì đẩy lùi xuống cuối. Hoàn thành từng việc một. Như vậy, chị em không phải đầu bù tóc rối xoay như chong chóng mà tới cuối ngày vẫn thấy chưa đâu vào đâu nữa.

2. Đàn bà khôn tập trung vào phát triển bản thân thay vì tán gẫu, buôn dưa lê.
Thay vì túm năm tụm ba bình phẩm đá đểu hay hóng phốt trên facebook, họ chỉ tập trung vào những công việc có ý nghĩa và mang lại lợi ích như đọc sách cùng con, ăn tối với chồng, suy nghĩ cách làm việc hiệu quả hơn, học một cái gì đó mới.

3. Đàn bà khôn tập trung vào công việc của mình, lên mục tiêu và đạt mục tiêu.
Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau, có năng lực khác nhau, và có những mục tiêu phấn đấu khác nhau. Tốt nhất là nên tập hết mình vào mục tiêu và liên tục thúc đẩy bản thân để miễn sao hôm nay mình phải tốt hơn mình của mình hôm qua chứ không phải chạy theo một hình mẫu nào đó và trách móc hay dằn vặt, hạ thấp bản thân mình.

4. Đàn bà khôn không tham công tiếc việc, không ôm đồm hết công việc vào mình.
Người giỏi là người biết giao việc đúng người và sắp xếp công việc hợp lý. Để có thể chu toàn cả công việc bên ngoài lẫn gia đình, chồng con, tốt nhất, hãy tận dụng sự giúp đỡ của chồng. Hoặc nếu cả hai vợ chồng cùng bận thì có thể thuê người giúp việc. Hãy học cách san sẻ gánh nặng và phân việc cho người khác.
Nhiều chị em chứ nghĩ, nếu một mình gồng gánh được hết tất cả công việc thì sẽ được chồng ngưỡng mộ, yêu thương. Nhưng thực sự không phải như vậy. Bạn đang tự bóp chết chính cuộc sống của mình, còn chồng bạn thì lại nghĩ rằng bạn vẫn đủ sức để gánh vác mọi thứ nên sẽ coi đó là điều hiển nhiên chứ không hề đánh giá cao bạn.

5. Đàn bà khôn biết thắp lửa hôn nhân
Hôn nhân bỗng một ngày trở nên tẻ nhạt, buồn chán, vì không còn những khoảng khắc riêng tư của riêng hai người, vì bạn nghĩ lập gia đình rồi thì nên tập trung vào con cái nhiều hơn.
Bạn đã lầm! Mối quan hệ nào cũng cần được vun đắp và thắp lửa đúng lúc, đều đặn. Một cái ôm tranh thủ lúc về nhà, một tin nhắn động viên giữa ngày, hay một buổi hẹn hò ăn tối cuối tuần, ... Nếu biết "đốt nến" đúng lúc, ngôi nhà lúc nào cũng ấm.

6. Đàn bà khôn, với con cái họ không cần cầu toàn.
Với một quỹ thời gian eo hẹp, thì thời gian dành cho con, chơi với con mới là quan trọng. Khi con bạn lớn lên, bé sẽ chẳng nhớ việc bạn đã tự tay giặt giũ quần áo bé như thế nào bằng việc bạn đã chơi trốn tìm với bé ra sao. Bé cũng sẽ chăng nhớ món ăn bạn kì công vất vả nấu như thế nào bằng việc bạn ngồi ôm con vào lòng đọc cho con nghe một cuốn truyện hay.
Những việc còn lại, hãy nhờ sự trợ giúp của người khác.

7. Đàn bà khôn biết dành thời gian cho bản thân và làm đẹp mỗi ngày.
Bạn không cần vì ai mới phải làm đẹp. Hãy làm đẹp đơn giản bởi vì bạn biết quí trọng bản thân. Bạn nghĩ xem, bản thân mình mà mình còn không biết nâng niu, không biết trân trọng thì còn ai có thể nâng niu trân trọng bạn. Vậy nên hãy chăm sóc cho bản thân mình thật tốt. Đó là chưa kể khi bạn chăm sóc tốt cho mình, bạn sẽ xinh đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tự tin hơn, và vòng tròn tích cực này sẽ đưa bạn đến gần với thành công hơn.

8. Đàn bà khôn luôn xem mọi thứ nhẹ nhàng và suy nghĩ tích cực.
Mức độ hài lòng với cuộc sống của một người dựa vào tư duy của họ, chứ không dựa vào điều kiện sống. Nếu muốn hạnh phúc, hãy tập trung vào việc tận hưởng những thứ bạn CÓ, đừng tập trung vào những thứ bạn MUỐN. Khi rơi vào tình huống tồi tệ, hãy học cách chấp nhận để bản thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Hãy để trường đời dạy cho bạn 7 bài học này, không thành công cũng thành nhân!


Trường đời sẽ dạy cho chúng ta biết, trắng chưa chắc đã là trắng, mà đen cũng chưa chắc đã là đen.
Trong trường học, chúng ta mất tiền học phí, bù lại luôn có thầy cô hướng dẫn chúng ta từng ly từng tí. Trong trường đời, chúng ta không phải nộp ra một đồng nào, nhưng sẽ chẳng có ai ân cần gặng hỏi "Có chỗ nào các em chưa hiểu không?".
Trong trường học, ta biết rõ cái gì là đúng, cái gì là sai, câu nào được điểm, câu nào bị trừ. Còn trong trường đời, chúng ta nhiều lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng mà chẳng có cách nào để ta biết được thế nào là trắng, thế nào là đen.
Vì lẽ đó, cuộc sống thực tế chưa bao giờ có điểm 10 hoàn hảo. Có chăng từ đó, chúng ta chỉ học được những kỹ năng và phương pháp sống còn để dễ dàng thích nghi và linh hoạt với cuộc đời hơn. Những điều sau đây sẽ giúp chúng ta trưởng thành phần nào nếu biết nhớ lấy và áp dụng:
1. Anh kính tôi một thước, tôi nhường anh một trượng
Mạnh Tử nói: "Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình". 
Biết tôn trọng người khác là yêu cầu tối thiểu của làm người. Thực sự làm được tôn trọng người khác, chính là một loại cảnh giới, một loại mỹ đức. Dù giàu hay nghèo, dù yếu hay mạnh, dù hèn hay sang, thì đó cũng là một con người. Mà đã là con người thì cần nhận được sự tôn trọng tối thiểu. 
Một người khi kết giao với người khác, nếu như có thể hiểu về họ, tôn trọng họ, vậy thì người đó cũng sẽ được người khác hiểu về mình và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.

2. Lòng dạ rộng lớn, bao dung và thứ tha
Nhà văn người Anh nổi tiếng Robert Browning từng có câu rằng: "Good to forgive, best to forgive". Bỏ qua sai lầm của người khác là sự khoan dung, đồng thời, quên đi sai lầm đó chính là sự rộng lượng với chính mình. 
Trong cuộc sống của một người, chúng ta không chỉ cần bao dung với bạn bè và người thân xung quanh, mà hãy thứ tha cho cả những lỗi lầm của bản thân mình.
Hãy nhớ rằng, ở đời ganh ghét, chẳng được chi, thù hận hại nhau, chẳng được gì, xã hội bao la, người mỗi tính, bao dung rộng lượng, bớt sầu bi.

3.Những gì mình không muốn thì đừng áp đặt vào người khác
Tục ngữ có câu nói "Muốn ăn gắp bỏ cho người" để chỉ những kẻ thích quanh co lẩn tránh, không dám nói hay dám làm gì một cách thẳng thắn mà phải tìm mọi cách lòng vòng, cố gắng giành lấy ích lợi về mình. Thế nhưng, những người có thói quen này lại không biết rằng, vật họp theo loài, người chơi theo nhóm. Những người ôm lòng ích kỷ, vụ lợi giống nhau sẽ tự thu hút lấy nhau.
Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Nếu chúng ta muốn thường xuyên gặp được những điều may mắn và tốt lành, kết giao với những quý nhân tốt bụng thì trước tiên, bản thân chúng ta cũng phải trở thành một người như vậy.

4. Quân tử khiêm tốn, ôn nhuận như ngọc
Ngườita đánh giá ngọc quý bằng 9 loại phẩm đức thì quân tử cũng được răn dạy tuân theo 9 loại chuẩn tắc: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa. (Có nghĩa là: nhìn phải nhìn cho rõ; nghe phải nghe cho thấu hiểu; thái độ phải giữ sự ôn hòa; dung mạo cần giữ sự khiêm tốn; lời nói cần phải đủ trung thành; làm việc hành sự cần phải đủ cung kính nghiêm túc; gặp điều nghi vấn cần tìm hiểu ngay; khi giận dữ cần tự hỏi hậu họa để lại; đạt được ích lợi cần phải hợp với đạo nhân nghĩa.)
Đó chính là lý do mà cái đức của bậc quân tử được so sánh ngang với ngọc quý. Người có bản lĩnh không chỉ là người thông minh, mà còn phải biết đối nhân xử thế, bình tĩnh vững vàng, tinh tế và kiên trì, không vô tâm, nhưng đủ tự trọng.

5.Tốt với người khác, chính là tốt với chính mình
Các mối nhân duyên từ gặp mặt cho tới quen biết là do số phận. Nhưng sau này, có hòa hợp và thân thiết với nhau hay không là do hành động của chính mình quyết định. Khi ta giúp người làm điều tốt, dù phúc chưa tới, họa vẫn ở rất xa. Khi chúng ta làm ác với người khác, dù họa chưa tới, phúc đã biến mất. Đôi khi, giúp người cũng là giúp chính mình.

6. Một giọt ân tình, trả ơn gấp bội
Trong lễ tốt nghiệp năm 2014 tại trường Đại học Yale, hiệu trưởng Peter Shalovy đã chia sẻ: "Những người trong tâm luôn ôm giữ niềm cảm ơn thường rất ít đố kỵ với người khác. Họ có năng lực thích ứng tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống, biết cách đối mặt với nhiều khó khăn."
Lòng cảm ơn sẽ giúp bạn mở ra một cánh cửa có sức mạnh thần kỳ, khơi dậy tiềm năng vô hạn của bạn. Điều chào đón bạn sẽ là những cơ hội thành công ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.

7. Làm người khiêm tốn, làm việc năng nổ

Khiêm tốn trong cách làm người có nghĩa là từng lời ăn tiếng nói, hành động đối nhân xử thế của mỗi chúng ta cần tuân thủ một khuôn thước kỷ luật, vừa vững vàng, vừa tỉnh táo để không vì tự đắc mà quên mất mình là ai.

Làm việc năng nổ là luôn duy trì tiêu chuẩn cao, hiệu suất cao, mục tiêu cao, thái độ cao và chí hướng cao trong công việc, không vì e dè, sợ hãi mà quên mất lý tưởng của bản thân, đánh mất cơ hội vươn lên phát triển.


Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Có 3 kiểu nói, phàm là người thông minh đều tránh: Bạn cũng nên tránh để bớt họa hại thân!

1. Bóc mẽ khuyết điểm của người khác
Nguyên tắc cơ bản trong việc làm người đó là: Không chỉ trích gay gắt những lỗi lầm quá nhỏ bé mà người khác mắc phải; không tùy tiện bóc mẽ đời sống riêng tư của người khác; càng không thể giữ chặt trong lòng mối thù với người khác hay những việc chưa phải mà họ đã làm với mình, nhất định không chịu quên.
Làm được 3 việc này, không những có thể bồi dưỡng phẩm đức cho bản thân mà còn có thể tránh được những họa hại không mong muốn.
Miệng lưỡi, ngôn từ là những thứ được ví không khác gì những lưỡi dao sắc làm tổn thương người khác. Người thông minh hiểu biết, biết người biết ta sẽ không bao giờ tận ngôn, nói cho sướng miệng mà sẽ để lại cho người khác vài "lối thoát", lưu lại chút khẩu đức cho bản thân.
Họ sẽ không bóc mẽ khuyết điểm của người khác, phơi bày vết sẹo mà người khác muốn giấu. Ngay cả khi trách người cũng không nên khắt khe đến mức không để cho họ một đường lùi.
Kẻ thích bóc mẽ khuyết điểm của người khác sẽ bị thù ghét, họ hại người và rồi cuối cùng lại hại chính mình.
Con người sống trên đời, ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng muốn giữ thể diện cho mình. Vì thế, trong cuộc sống, đừng bóc mẽ, chế giễu khuyết điểm hay những chuyện riêng tư của người khác, hãy giữ thể diện cho họ, đó cũng là cách chúng ta giữ thể diện cho chính mình.
2. Khoe khoang bản thân
Người khác khen ngợi mình, đó gọi là bia miệng; tự mình khen mình, đó gọi là khoa trương.
"Thiên bất ngôn tự cao, địa bất ngôn tự hậu" – trời vốn tự cao, đất vốn tự dày mà không cần đến lời nói, không cần khoe khoang – người thực sự có học thức, có nội hàm sẽ không mở miệng khoe khoang bản thân với người khác.
Cuối thời nhà Thanh, Tả Tông Đường dẫn quân chinh chiến ở phía Tây, thu về vùng Tân Cương, lập công lớn. Ông ta vốn dĩ có một tật xấu đó là "văn nhân thích đại ngôn", sau khi lập công hễ gặp ai là đen chiến công của mình ra kể.
Có người tìm ông ta làm việc, bất luận là việc công hay tư, chỉ nói được đôi ba câu là chủ đề lại chuyển hướng sang chuyện chinh phạt miền Tây khiến đối phương bất đắc dĩ phải nghe.
Tả Tông Đương là người có tài, nhưng việc khoe khoang thành tích cũng là có thật, thế nên ông ta vẫn bị người đời chỉ trích. Vì vậy, hãy dừng ngay việc khoe khoang bản thân.
Sông sâu thường chảy lặng, người thực sự có học thức, có tu dưỡng, không cần khoe khoang người khác cũng sẽ nhận ra.
3. Nói những lời vô giá trị
Tử Cầm hỏi thầy của mình là Mặc Tử rằng, nói nhiều liệu có tốt hay không.
Mặc Tử đáp: "Ếch, muỗi kêu suốt ngày không nghỉ, kêu đến khản cả cổ, nhưng có ai nghe chúng kêu không? Hãy xem những con gà trống, chúng kêu đúng giờ vào mỗi buổi sáng hằng ngày, thiên hạ chấn động, người người lục đục kéo nhau dậy."
Còn Khổng Tử thì nói: "Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung" – ý của câu nói này là, một người có thể không nói nhưng đã mở miệng nói là phải nói đúng vấn đề.
Người xưa đã nói, bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vì thế không nên nói quá nhiều, đa ngôn tất thất – ý nói rằng nói nhiều ắt sẽ có sai sót.
Chúng ta cũng đừng nói những lời vô nghĩa, vô giá trị. Nói nhiều không có lợi, quý ở chỗ nói đúng lúc, đúng chỗ mà thôi.
Ngôn ngữ đơn giản nhưng ý tứ sâu sắc, đó là cảnh giới. Chỉ cần nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng việc, chúng ta sẽ được tôn trọng.


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

5 kỹ năng hữu hiệu giúp anh em đứng trước đám đông tự tin hơn

1. Phải nắm vững cái mình nói
Nắm vững nội dung anh em sẽ trình bày, đọc và thực hành trình bày nhiều lần, rất hiếm người có khả năng trình bày thiêm bẩm. Do vậy hãy xem thuyết trình như một môn thể thao mà anh em phải rèn luyện chăm chỉ để thuần thục. Nhiều người thường lo lắng vì chưa luyện tập đủ nhưng luôn thoái thác mỗi khi có dịp, hãy cố gắng để nó trở thành bản năng tự nhiên. Ở mức độ chuyên nghiệp rồi, anh em phải khống chế được thời gian trình bày, cùng một chủ đề nhưng cho anh em 5 phút, 30 phút hay 2 giờ đồng hồ anh em đều có thể nói được mà không bị mất đi các ý chính.

2. Lập dàn ý
Thuyết trình không phải đọc diễn văn, người nghe sẽ ngủ hết nếu anh em đọc hết các gạch đầu dòng trong slide. Nếu chưa vững kiến thức sẽ trình bày, anh em đừng ngại viết vào một mảnh giấy rồi cầm và đi qua đi lại khi trình bày. Như cái kiểu mà David Letterman ném từng tấm thẻ sau khi hết nội dung trong ấy xuống đất trong chương trình Top Ten mỗi tối (anh ấy là diễn viên hài kiêm MC của kênh CBS).
Một thói quen tốt cho thuyết trình là thảo luận nhóm cũng sẽ giúp anh em mạnh dạn hơn, khi mạnh dạn hơn rồi thì hãy đứng lên và bắt đầu nói.

3. Chuyển động
Trên sân khấu, nên đi lại hay đứng tại bục diễn giả thôi? Tuỳ sân khấu, điều kiện âm thanh, ánh sáng nhưng tốt hơn hết là hạn chế cơn buồn ngủ cho người nghe bằng cách hãy di chuyển.

4. Chuẩn bị bài sẽ dùng để thuyết trình
Chuẩn bị bản photo cho bài thuyết trình để đem theo không thừa đâu.
PowerPoint là công cụ hỗ trợ thuyết trình rất tốt nhưng biểu đồ, chữ và gạch đầu dòng chi chít thật là thảm hoạ.
Minh hoạ thêm cho bài thuyết trình bằng clip cũng tốt nhưng sau khi chiếu xong clip nên dừng chừng 5-7 giây cho khán giả “tiêu hoá” nó trước khi đi tiếp.

5. Tương tác với người nghe
Diễn giả hay ca sĩ đều giống nhau ở chỗ, sẽ luôn có cảm hứng để thể hiện hơn nếu bên dưới khán giả cũng rất hào hứng ủng hộ bên trên. Ngược lại, hãy truyền cảm hứng cho họ ủng hộ anh em, trước hết hãy cố gắng nỗ lực, hăng hái nhất có thể cho bài thuyết trình.
Khi muốn nhấn mạnh ý nào, hãy nói chậm rãi, từng câu, từng từ và có thể lặp lại, nhưng không nên lạm dụng.

“Tôi sẽ trình bày 10 vấn đề sau trong vòng 1 giờ” là một cách để bạn nhận được lời nói vọng lên: “XUỐNG ĐI!”

Tổng thống Franklin Roosevelt, khi được yêu cầu đưa ra lời khuyên khi thuyết trình, đã nói rằng: Có ba bước cơ bản đó là bước lên sân khấu và mỉm cười, đi thẳng vào vấn đề, và ngồi xuống.

Mọi cuộc thuyết trình, bạn hãy coi như phóng viên đang phỏng vấn và bạn đang bị “ghi âm”, hãy chắt lọc tinh tuý nhất.

Ngôn ngữ cơ thể, đi lại, quơ tay múa chân… cũng rất quan trọng, hãy tạo nên phong thái đỉnh đạc khi thuyết trình.



Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Từ 40 tuổi trở đi, có 2 kiểu nói nhất định cần bỏ mới mong tránh được họa, bảo toàn tài lộc

Khổng Tử từng nói rằng, trong cuộc đời, con người thường trải qua 6 giai đoạn, đó là: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ".

Ý của câu nói trên là: Mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi tự lập, bốn mươi tuổi biết phân biệt thị phi, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi tu hành thành thục, những việc làm ra đều chuẩn mực hợp lý, không khiến người khác chướng tai gai mắt, bảy mươi tuổi có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp lý và đạo lý.

Có thể thấy, tuổi 40 là độ tuổi mà con người đã đủ trưởng thành, có thể điều chỉnh được các mối quan hệ của bản thân, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, cải thiện nâng cấp chính mình…

Ở độ tuổi này, trong các mối quan hệ giữa người với người cũng đòi hỏi mỗi người cần phải dùng cái đầu để hành xử, ứng xử.

Trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày cũng vậy, người đã bước sang tuổi 40 cần phải biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì, nên nói gì và điều gì tuyệt đối không nên nói ra.

Tục ngữ có câu: Cơm có thể ăn nhiều một chút nhưng lời nói thì không thể nói bừa. Câu nói này muốn nhấn mạnh đến việc cần phải chú ý đến lời ăn tiếng nói, có những lời nói nhất định không được nói ra. Những người mồm mép hoạt động nhanh hơn não bộ thường dễ rước họa vào thân.

Tuổi 40 cũng là thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn trung niên, học được cách kiểm soát lời ăn tiếng nói có thể sẽ giúp mỗi chúng ta đón nhận thêm phúc khí, tài vận rộng mở.

Vì thế, từ 40 tuổi trở đi, mỗi người hãy thực sự chú ý, cần loại bỏ 2 kiểu nói dưới đây để không gây tổn hại cho người khác và cho chính bản thân mình.

1. Nói khoác
Đến tuổi 40 mà bạn vẫn còn khoác lác, chém gió, đó là một dấu hiệu cho thấy cuộc đời bạn chẳng còn mấy hy vọng.

Người ở tuổi 40 lẽ hiển nhiên sẽ sở hữu kinh nghiệm nhiều hơn những người trẻ tuổi, họ đã kinh qua không ít việc, đã hiểu được những phép tắc trong xã hội này, đã biết phải thế nào mới có thể khiến bản thân tiến gần đến thành công.

Đã trải qua 20 năm lăn lộn phấn đấu trên đời trước khi chạm đến tuổi 40 mà vẫn chỉ biết nói mà không làm, vẫn có thể khoác lác để khoe mẽ bản thân, vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng, sự nỗ lực luôn thực tế hơn những lời khua môi múa mép.

Dù rằng con người ai cũng ham hư vinh, nhưng có một số người để thỏa mãn ham muốn hư vinh mà thường xuyên khoác lác, phóng đại sự thật thì về lâu về dài sẽ khiến những người xung quanh ngán ngẩm và nhanh chóng nhận ra rằng, bạn là kẻ kém cỏi, không có năng lực.

Khoác lác không đem lại lợi ích gì mà chỉ khiến bản thân bị hạ thấp trong mắt người khác mà thôi.

Vì thế, khi đã chững chạc, trưởng thành, hãy biết nói những gì nên nói và kiểm soát những gì không nên nói ra. Hãy từng bước theo đuổi lý tưởng của mình, như thế cuộc đời mới có thể tiến lên những nấc thang mới, phúc khí mới đến, đường tài lộc mới thênh thang rộng mở.

2. Nói những lời hạ thấp người khác đề cao bản thân
Có những người cho rằng khi mình lớn tuổi, mình có quyền đánh giá nhận xét phê phán người khác, nhất là những người ít tuổi hơn mình.

Họ thường cho rằng trong cơ quan, ở nơi mình làm, vì mình là "lão làng", tuổi cũng lớn hơn nhiều người khác nên tự nhận mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn người, từ đó nảy sinh hành động chèn ép hậu bối, thậm chí thích dùng lời nói để hạ thấp người khác để đề cao bản thân.

Đây thực sự là một hành vi ngu xuẩn.

Một người nếu thực sự có năng lực, bất luận là họ 40 tuổi hay 20, 30 tuổi, chỉ cần có khả năng hơn người, anh ta sẽ được người khác đánh giá cao, được người khác mến mộ.

Ngược lại, người không có năng lực thường thích dùng cách hạ thấp người khác để đạt được mục đích đề cao bản thân mình.

Kiểu người này thường luôn tự cảm thấy mình tốt đẹp, hơn người mà coi thường người khác mà không biết rằng, chính họ mới đang bị xem thường.

Vì thế, nói năng nhất định cần suy nghĩ, đừng để người khác phải buông lời chế giễu "già rồi còn dại".

Đừng tùy tiện nghĩ gì nói đấy, bởi có những lời nếu nói ra, sẽ chỉ khiến bản thân bạn gặp rắc rối, thậm chí là tai họa mà thôi.

Cách ăn nói cũng là yếu tố phản ánh nhân cách của một con người. Hãy nói ít, làm nhiều.

Chỉ có chuẩn mực hóa hành vi của bản thân, chúng ta mới có thể hạn chế được việc làm sai.

Chỉ có suy nghĩ nhiều lên, chúng ta mới có thể tránh được việc nói sai, từ đó tránh được những tổn thất không đáng có.

Thiết nghĩ, ngoài những người đã bước sang tuổi 40, những người trẻ tuổi cũng nên lưu ý tránh hai cách nói này nếu muốn được mọi người yêu mến, tin cậy.

Bài đăng nổi bật

KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ TỐI ƯU THU-PHÁT

KỸ THUẬT] KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ. Tất nhiên, trong việc xây dựng một mạng lưới WiFi hiệu suất cao & ổn định, ch...