Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Có 3 kiểu nói, phàm là người thông minh đều tránh: Bạn cũng nên tránh để bớt họa hại thân!

1. Bóc mẽ khuyết điểm của người khác
Nguyên tắc cơ bản trong việc làm người đó là: Không chỉ trích gay gắt những lỗi lầm quá nhỏ bé mà người khác mắc phải; không tùy tiện bóc mẽ đời sống riêng tư của người khác; càng không thể giữ chặt trong lòng mối thù với người khác hay những việc chưa phải mà họ đã làm với mình, nhất định không chịu quên.
Làm được 3 việc này, không những có thể bồi dưỡng phẩm đức cho bản thân mà còn có thể tránh được những họa hại không mong muốn.
Miệng lưỡi, ngôn từ là những thứ được ví không khác gì những lưỡi dao sắc làm tổn thương người khác. Người thông minh hiểu biết, biết người biết ta sẽ không bao giờ tận ngôn, nói cho sướng miệng mà sẽ để lại cho người khác vài "lối thoát", lưu lại chút khẩu đức cho bản thân.
Họ sẽ không bóc mẽ khuyết điểm của người khác, phơi bày vết sẹo mà người khác muốn giấu. Ngay cả khi trách người cũng không nên khắt khe đến mức không để cho họ một đường lùi.
Kẻ thích bóc mẽ khuyết điểm của người khác sẽ bị thù ghét, họ hại người và rồi cuối cùng lại hại chính mình.
Con người sống trên đời, ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng muốn giữ thể diện cho mình. Vì thế, trong cuộc sống, đừng bóc mẽ, chế giễu khuyết điểm hay những chuyện riêng tư của người khác, hãy giữ thể diện cho họ, đó cũng là cách chúng ta giữ thể diện cho chính mình.
2. Khoe khoang bản thân
Người khác khen ngợi mình, đó gọi là bia miệng; tự mình khen mình, đó gọi là khoa trương.
"Thiên bất ngôn tự cao, địa bất ngôn tự hậu" – trời vốn tự cao, đất vốn tự dày mà không cần đến lời nói, không cần khoe khoang – người thực sự có học thức, có nội hàm sẽ không mở miệng khoe khoang bản thân với người khác.
Cuối thời nhà Thanh, Tả Tông Đường dẫn quân chinh chiến ở phía Tây, thu về vùng Tân Cương, lập công lớn. Ông ta vốn dĩ có một tật xấu đó là "văn nhân thích đại ngôn", sau khi lập công hễ gặp ai là đen chiến công của mình ra kể.
Có người tìm ông ta làm việc, bất luận là việc công hay tư, chỉ nói được đôi ba câu là chủ đề lại chuyển hướng sang chuyện chinh phạt miền Tây khiến đối phương bất đắc dĩ phải nghe.
Tả Tông Đương là người có tài, nhưng việc khoe khoang thành tích cũng là có thật, thế nên ông ta vẫn bị người đời chỉ trích. Vì vậy, hãy dừng ngay việc khoe khoang bản thân.
Sông sâu thường chảy lặng, người thực sự có học thức, có tu dưỡng, không cần khoe khoang người khác cũng sẽ nhận ra.
3. Nói những lời vô giá trị
Tử Cầm hỏi thầy của mình là Mặc Tử rằng, nói nhiều liệu có tốt hay không.
Mặc Tử đáp: "Ếch, muỗi kêu suốt ngày không nghỉ, kêu đến khản cả cổ, nhưng có ai nghe chúng kêu không? Hãy xem những con gà trống, chúng kêu đúng giờ vào mỗi buổi sáng hằng ngày, thiên hạ chấn động, người người lục đục kéo nhau dậy."
Còn Khổng Tử thì nói: "Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung" – ý của câu nói này là, một người có thể không nói nhưng đã mở miệng nói là phải nói đúng vấn đề.
Người xưa đã nói, bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vì thế không nên nói quá nhiều, đa ngôn tất thất – ý nói rằng nói nhiều ắt sẽ có sai sót.
Chúng ta cũng đừng nói những lời vô nghĩa, vô giá trị. Nói nhiều không có lợi, quý ở chỗ nói đúng lúc, đúng chỗ mà thôi.
Ngôn ngữ đơn giản nhưng ý tứ sâu sắc, đó là cảnh giới. Chỉ cần nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng việc, chúng ta sẽ được tôn trọng.


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

5 kỹ năng hữu hiệu giúp anh em đứng trước đám đông tự tin hơn

1. Phải nắm vững cái mình nói
Nắm vững nội dung anh em sẽ trình bày, đọc và thực hành trình bày nhiều lần, rất hiếm người có khả năng trình bày thiêm bẩm. Do vậy hãy xem thuyết trình như một môn thể thao mà anh em phải rèn luyện chăm chỉ để thuần thục. Nhiều người thường lo lắng vì chưa luyện tập đủ nhưng luôn thoái thác mỗi khi có dịp, hãy cố gắng để nó trở thành bản năng tự nhiên. Ở mức độ chuyên nghiệp rồi, anh em phải khống chế được thời gian trình bày, cùng một chủ đề nhưng cho anh em 5 phút, 30 phút hay 2 giờ đồng hồ anh em đều có thể nói được mà không bị mất đi các ý chính.

2. Lập dàn ý
Thuyết trình không phải đọc diễn văn, người nghe sẽ ngủ hết nếu anh em đọc hết các gạch đầu dòng trong slide. Nếu chưa vững kiến thức sẽ trình bày, anh em đừng ngại viết vào một mảnh giấy rồi cầm và đi qua đi lại khi trình bày. Như cái kiểu mà David Letterman ném từng tấm thẻ sau khi hết nội dung trong ấy xuống đất trong chương trình Top Ten mỗi tối (anh ấy là diễn viên hài kiêm MC của kênh CBS).
Một thói quen tốt cho thuyết trình là thảo luận nhóm cũng sẽ giúp anh em mạnh dạn hơn, khi mạnh dạn hơn rồi thì hãy đứng lên và bắt đầu nói.

3. Chuyển động
Trên sân khấu, nên đi lại hay đứng tại bục diễn giả thôi? Tuỳ sân khấu, điều kiện âm thanh, ánh sáng nhưng tốt hơn hết là hạn chế cơn buồn ngủ cho người nghe bằng cách hãy di chuyển.

4. Chuẩn bị bài sẽ dùng để thuyết trình
Chuẩn bị bản photo cho bài thuyết trình để đem theo không thừa đâu.
PowerPoint là công cụ hỗ trợ thuyết trình rất tốt nhưng biểu đồ, chữ và gạch đầu dòng chi chít thật là thảm hoạ.
Minh hoạ thêm cho bài thuyết trình bằng clip cũng tốt nhưng sau khi chiếu xong clip nên dừng chừng 5-7 giây cho khán giả “tiêu hoá” nó trước khi đi tiếp.

5. Tương tác với người nghe
Diễn giả hay ca sĩ đều giống nhau ở chỗ, sẽ luôn có cảm hứng để thể hiện hơn nếu bên dưới khán giả cũng rất hào hứng ủng hộ bên trên. Ngược lại, hãy truyền cảm hứng cho họ ủng hộ anh em, trước hết hãy cố gắng nỗ lực, hăng hái nhất có thể cho bài thuyết trình.
Khi muốn nhấn mạnh ý nào, hãy nói chậm rãi, từng câu, từng từ và có thể lặp lại, nhưng không nên lạm dụng.

“Tôi sẽ trình bày 10 vấn đề sau trong vòng 1 giờ” là một cách để bạn nhận được lời nói vọng lên: “XUỐNG ĐI!”

Tổng thống Franklin Roosevelt, khi được yêu cầu đưa ra lời khuyên khi thuyết trình, đã nói rằng: Có ba bước cơ bản đó là bước lên sân khấu và mỉm cười, đi thẳng vào vấn đề, và ngồi xuống.

Mọi cuộc thuyết trình, bạn hãy coi như phóng viên đang phỏng vấn và bạn đang bị “ghi âm”, hãy chắt lọc tinh tuý nhất.

Ngôn ngữ cơ thể, đi lại, quơ tay múa chân… cũng rất quan trọng, hãy tạo nên phong thái đỉnh đạc khi thuyết trình.



Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Từ 40 tuổi trở đi, có 2 kiểu nói nhất định cần bỏ mới mong tránh được họa, bảo toàn tài lộc

Khổng Tử từng nói rằng, trong cuộc đời, con người thường trải qua 6 giai đoạn, đó là: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ".

Ý của câu nói trên là: Mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi tự lập, bốn mươi tuổi biết phân biệt thị phi, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi tu hành thành thục, những việc làm ra đều chuẩn mực hợp lý, không khiến người khác chướng tai gai mắt, bảy mươi tuổi có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp lý và đạo lý.

Có thể thấy, tuổi 40 là độ tuổi mà con người đã đủ trưởng thành, có thể điều chỉnh được các mối quan hệ của bản thân, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, cải thiện nâng cấp chính mình…

Ở độ tuổi này, trong các mối quan hệ giữa người với người cũng đòi hỏi mỗi người cần phải dùng cái đầu để hành xử, ứng xử.

Trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày cũng vậy, người đã bước sang tuổi 40 cần phải biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì, nên nói gì và điều gì tuyệt đối không nên nói ra.

Tục ngữ có câu: Cơm có thể ăn nhiều một chút nhưng lời nói thì không thể nói bừa. Câu nói này muốn nhấn mạnh đến việc cần phải chú ý đến lời ăn tiếng nói, có những lời nói nhất định không được nói ra. Những người mồm mép hoạt động nhanh hơn não bộ thường dễ rước họa vào thân.

Tuổi 40 cũng là thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn trung niên, học được cách kiểm soát lời ăn tiếng nói có thể sẽ giúp mỗi chúng ta đón nhận thêm phúc khí, tài vận rộng mở.

Vì thế, từ 40 tuổi trở đi, mỗi người hãy thực sự chú ý, cần loại bỏ 2 kiểu nói dưới đây để không gây tổn hại cho người khác và cho chính bản thân mình.

1. Nói khoác
Đến tuổi 40 mà bạn vẫn còn khoác lác, chém gió, đó là một dấu hiệu cho thấy cuộc đời bạn chẳng còn mấy hy vọng.

Người ở tuổi 40 lẽ hiển nhiên sẽ sở hữu kinh nghiệm nhiều hơn những người trẻ tuổi, họ đã kinh qua không ít việc, đã hiểu được những phép tắc trong xã hội này, đã biết phải thế nào mới có thể khiến bản thân tiến gần đến thành công.

Đã trải qua 20 năm lăn lộn phấn đấu trên đời trước khi chạm đến tuổi 40 mà vẫn chỉ biết nói mà không làm, vẫn có thể khoác lác để khoe mẽ bản thân, vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng, sự nỗ lực luôn thực tế hơn những lời khua môi múa mép.

Dù rằng con người ai cũng ham hư vinh, nhưng có một số người để thỏa mãn ham muốn hư vinh mà thường xuyên khoác lác, phóng đại sự thật thì về lâu về dài sẽ khiến những người xung quanh ngán ngẩm và nhanh chóng nhận ra rằng, bạn là kẻ kém cỏi, không có năng lực.

Khoác lác không đem lại lợi ích gì mà chỉ khiến bản thân bị hạ thấp trong mắt người khác mà thôi.

Vì thế, khi đã chững chạc, trưởng thành, hãy biết nói những gì nên nói và kiểm soát những gì không nên nói ra. Hãy từng bước theo đuổi lý tưởng của mình, như thế cuộc đời mới có thể tiến lên những nấc thang mới, phúc khí mới đến, đường tài lộc mới thênh thang rộng mở.

2. Nói những lời hạ thấp người khác đề cao bản thân
Có những người cho rằng khi mình lớn tuổi, mình có quyền đánh giá nhận xét phê phán người khác, nhất là những người ít tuổi hơn mình.

Họ thường cho rằng trong cơ quan, ở nơi mình làm, vì mình là "lão làng", tuổi cũng lớn hơn nhiều người khác nên tự nhận mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn người, từ đó nảy sinh hành động chèn ép hậu bối, thậm chí thích dùng lời nói để hạ thấp người khác để đề cao bản thân.

Đây thực sự là một hành vi ngu xuẩn.

Một người nếu thực sự có năng lực, bất luận là họ 40 tuổi hay 20, 30 tuổi, chỉ cần có khả năng hơn người, anh ta sẽ được người khác đánh giá cao, được người khác mến mộ.

Ngược lại, người không có năng lực thường thích dùng cách hạ thấp người khác để đạt được mục đích đề cao bản thân mình.

Kiểu người này thường luôn tự cảm thấy mình tốt đẹp, hơn người mà coi thường người khác mà không biết rằng, chính họ mới đang bị xem thường.

Vì thế, nói năng nhất định cần suy nghĩ, đừng để người khác phải buông lời chế giễu "già rồi còn dại".

Đừng tùy tiện nghĩ gì nói đấy, bởi có những lời nếu nói ra, sẽ chỉ khiến bản thân bạn gặp rắc rối, thậm chí là tai họa mà thôi.

Cách ăn nói cũng là yếu tố phản ánh nhân cách của một con người. Hãy nói ít, làm nhiều.

Chỉ có chuẩn mực hóa hành vi của bản thân, chúng ta mới có thể hạn chế được việc làm sai.

Chỉ có suy nghĩ nhiều lên, chúng ta mới có thể tránh được việc nói sai, từ đó tránh được những tổn thất không đáng có.

Thiết nghĩ, ngoài những người đã bước sang tuổi 40, những người trẻ tuổi cũng nên lưu ý tránh hai cách nói này nếu muốn được mọi người yêu mến, tin cậy.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

7 CÁCH NHÌN NGƯỜI CỦA GIA CÁT LƯỢNG - NHẬN BIẾT NGAY NGƯỜI TÀI, NGƯỜI TỐT


Dù trải qua cả ngàn năm, song những cách nhìn người của Gia Cát Lượng vẫn khiến cho hậu thế không khỏi tấm tắc vì quá đúng!

1. Chí: Hỏi đúng sai để xem xét chí hướng của đối phương
Để đánh giá phẩm chất của một người, trước tiên phải xem nhận định của người đó trước các vấn đề đúng – sai, từ đó đánh giá các nhìn và xem xét chí hướng của người đó. Hễ là người không phân rõ đúng – sai, mang thái độ ba phải, "gió chiều này che chiều nấy" thì đều có khả năng làm tổn hại đến lợi ích chung trong thời khắc then chốt.

Vì vậy, tuyệt đối không thể giao phó trọng trách cho những người như vậy. Kiểu người ấy không có quan niệm rõ ràng về đúng sai, phẩm chất và đức tính cũng khó xác định. Chỉ có người chí hướng cao, lập trường vững chắc, tấm lòng rộng lượng thì mới là người có thể cộng tác.

2. Biến: Đặt câu hỏi để xem xét khả năng ứng biến của đối phương
Muốn hiểu được một người, nhất định phải giao tiếp nhiều với người đó, dùng lý lẽ dồn người đó vào bước đường cùng để xem họ ứng phó ra sao. Dùng tiêu chuẩn này để nhìn người, bởi Gia Cát Lượng tin rằng người có khả năng sử dụng ngôn từ nhanh nhạy, nhất định là người có đầu óc linh hoạt và tư duy nhạy bén.

Tiêu chí này cũng hoàn toàn có thể áp dụng trên chốn quan trường để đánh giá vị quan đó là tốt hay xấu. Bởi lẽ, không chỉ tham quan, mà những quan lại tư chất tầm thường cũng sẽ hại dân hại nước, làm hỏng đại sự. Thứ họ thiếu chính là năng lực đánh giá và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn.

3. Thức: Dùng mưu kế để đánh giá kiến thức của đối phương
Phương thức này có thể áp dụng trong bất kỳ tình huống nào. Ví dụ, một quan lại nếu không có mưu lược, gặp phải tình huống bất ngờ ắt chỉ có thể bó tay chịu trói. Khi ấy dù cho người này có lòng tốt, muốn cống hiến vì nước vì dân thì vẫn chỉ đành lực bất tòng tâm, làm ảnh hưởng đến đại cục. Vốn dĩ, những người muốn cống hiến nhất định phải là người có thể đưa ra những phương pháp để cải thiện xã hội của họ.

4. Dũng: Đặt ra tình huống nguy khốn để xem dũng khí của đối phương
Để có thể đánh giá sự can đảm của một người, hãy xem cách họ ứng phó trước tình huống nguy khốn. Cổ nhân có câu: "Tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách, sự bất nan vô dĩ tri quân tử" (Đại ý: Nếu sự việc không có khó khăn thì làm sao để biết được người quân tử).

Giống như câu nói "lửa thử vàng, gian nan thử sức", khó khăn chính là "ngọn lửa" tốt nhất để thử thách dũng khí của đối phương. Muốn nhìn nhận dũng khí của một người, trước tiên hãy nói cho người đó biết một số khó khăn và nguy hiểm cần xử lý để xem họ trả lời ra sao. Nếu đó là một người thiếu dũng khí, vậy đừng nói xả thân vì đại nghĩa, trừ gian diệt ác, chỉ e rằng người đó ngay đến bản thân còn khó lòng bảo vệ, sao có thể trông chờ gì được đây?

5. Tính: Dùng rượu để xem tính tình của đối phương
Rượu là một trong những "thước đo" tốt nhất đối với lòng người. Dân gian thường lưu truyền câu nói "rượu vào lời ra". Bản tính thực sự của một người thường được cất giấu rất sâu, mà dùng rượu sẽ khiến họ mở lòng, để người đó bộc lộ ra bản chất thật của mình. Điều này cũng có nghĩa là, khi một người say rượu, ta có thể biết được phẩm hạnh và nhân cách của người đó ra sao.

Chớ vội coi nhẹ cách nhìn người này. Thực tế trong lịch sử Trung Hoa đã có bao văn thần, võ tướng vì say rượu phạm pháp mà bị chém đầu. Bản thân Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận năm xưa cũng đã từng áp dụng thành công mưu kế "dùng rượu tước binh quyền".

6. Liêm: Dùng công danh lợi lộc để xem sự liêm chính của đối phương
Lợi ích vốn là thứ mà ai cũng yêu thích. Quan sát thái độ của một người khi đứng trước những lợi ích ắt sẽ nhìn ra phẩm hạnh của người đó. Người có phẩm hạnh cao thượng tuyệt đối sẽ không làm việc phi nghĩa dù cho món lời mang ra dụ dỗ họ có lớn đến đâu. Nhân tính vốn có một phần "tham dục", nhưng "quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo" (người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý).

Từ xưa đến nay, lịch sử không thiếu những câu chuyện dùng tiền tài để đo tấm lòng. Mà số quan lại bại bởi một chữ "lợi" (lợi ích) cũng nhiều không kể xiết. Người không kháng cự được sự mê hoặc của tiền tài ắt không thể trở thành quan thanh liêm. Trong khi đó, nhân tài mà bách tính trông đợi dĩ nhiên là thanh quan chứ không phải tham quan.

7. Tín: Giao việc cho đối phương để xem chữ tín của họ
Cần phải xem xét lời nói và hành động của đối phương có nhất quán hay không, người nói mà không giữ lời ắt là kẻ không thủ tín, sẽ dễ dàng đánh mất sự tin tưởng của người khác dành cho họ. Thủ tín vốn là "cái gốc" làm người. "Nhân vô tín bất lập", người không có giữ tín ắt sẽ không có chỗ đứng ở đời.



Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Tiếng nói từ ngàn xưa



Tổ tiên đã dạy...
1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.

2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ . Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.

3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.

4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.

5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.

6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.

7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.

8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.

9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.

10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều;

11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội;

12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.

13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít;

14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông;

15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi;

16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa;

17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.

18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.

19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.

20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.

21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.

22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.

23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.

24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.

25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.

26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.

27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông



Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Đời người ngắn ngủi, có 3 thứ sai lầm nhất định không nên mắc phải, đáng tiếc hầu hết chúng ta đều không kiểm soát được



Đời người ngắn ngủi, hà cớ gì cứ phải mang cái vướng bận vào người.

1. Lúc nào cũng so sánh mình với người khác
Khuyết điểm lớn nhất của đời người chính là đi so sánh mình với người khác. So sánh mình với người giỏi hơn sẽ khiến chúng ta tự ti, so sánh với người kém hơn lại khiến chúng tự mãn.
So sánh là thứ khiến chúng ta đánh mất đi bản sắc của mình.

Có một câu chuyện như sau: một người đàn ông ngồi câu cá ở bên bờ sông, anh ta câu được rất nhiều cá, nhưng mỗi một lần câu xong, anh ta lại lấy thước ra so sánh, con cá nào lớn hơn cái thước anh ta sẽ ném lại xuống sông.

Những người ngồi bên cạnh thấy lạ liền hỏi: "Người khác muốn câu được cá to, còn anh lại thả chúng đi?"

Người đàn ông thong thả đáp: "Vì nồi ở nhà chỉ to bằng cái thước này, cá to quá không cho vừa nồi."
Không để những ham muốn xâm chiếm bạn, "đủ dùng là được" là một phong cách sống không tồi.

Ai ai cũng mang trong mình một màu sắc riêng. Hoa mai không cần ngưỡng mộ hoa mẫu đơn, mặt trăng cũng không cần đố kị với mặt trời.

2. Hối hận vô nghĩa
Hối hận là thứ cảm xúc vô dụng nhất, nhưng lại có rất nhiều người cứ luôn lún sâu vào thứ cảm xúc đó. Nó vừa khiến bạn dằn vặt lại vừa chằng thể bù đắp cho những việc mà bạn nghĩ là mình không nên làm hay những việc bạn đáng nên làm nhưng chưa làm.

Khi thứ cảm xúc đó tìm đến bạn, hãy giữ khoảng cách với nó, nhìn nó và nói, cảm ơn đã ghé qua, nhưng chuyện này đã là quá khứ rồi, có làm gì cũng không thể thay đổi được nữa, hiện tại cảm thấy thoải mái mới là điều quan trọng nhất.

Cố chấp với những chuyện xảy ra trong quá khứ chỉ cho thấy bạn là một người yếu đuối, thiển cận, thậm chí là hẹp hòi.

Việc bạn nên làm đó là chấp nhận kết quả, rồi sau đó nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đời người, những chuyện không như ý không hiếm gặp, người có bản lĩnh là người biết tận hưởng những thứ tốt nhất đồng thời dám đối mặt với những thứ tồi tệ nhất có thể xảy đến.

3. Suốt ngày ca thán
Chúng ta sở dĩ ca thán, nguyên nhân không ngoài 9 chữ sau: buông không được, nhìn không thấu, quên không xong.

Có một đôi vợ chồng sau khi kết hôn, ngày nào họ cũng cãi nhau, cuối cùng họ quyết định đi tìm gặp nhà tâm lý học nổi tiếng Milton H. Erickson.

Sau khi nghe xong những lời ca thán không ngớt của đôi vợ chồng trẻ, nhà tâm lý nói: "Mục đích kết hôn của hai người là để ngày nào cũng cãi nhau như thế này ư?"

Đôi vợ chồng nghe xong im lặng, không nói gì.
Ca thán, phàn nàn giống như một khối u vậy, kích thước của nó sẽ to dần theo cảm xúc tiêu cực của bạn, thứ thuốc công hiệu nhất để chữa trị đó là khống chế cảm xúc của bản thân, đừng để cảm xúc xỏ mũi và dắt bạn đi.

Chúng ta thường hay ca thán, phàn nàn khi mọi việc không được như ý muốn, giống như làm như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng trên thực tế, vấn đề vẫn ở đó, việc ca thán chỉ khiến bạn mất thời gian hơn, thậm chí bỏ lỡ mất cơ hội tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc bạn cần làm đó là mau chóng bình tĩnh lại, phân tích vấn đề, tích cực đi tìm phương pháp giải quyết hoặc cứu vãn nó.

Vậy mới nói, khi bị đối xử không công bằng, khoan hãy ca thán, bởi có một triết lý triết học như sau: "Cái gì tồn tại thì hợp lý", đãi ngộ mà bạn nhận được đều có nguyên nhân "tồn tại" của nó.

Bạn không thể kiềm chế người khác, nhưng bạn chế ngự được chính mình, bạn không thể chi phối được thời tiết nhưng bạn có thể thay đổi được tâm trạng của mình.

Kiểm soát cảm xúc, học cách làm chủ cảm xúc là phương pháp tốt nhất giúp bạn ngừng oán thán.
Đời người ngắn ngủi, hà cớ gì cứ phải mang cái vướng bận vào người.

5 việc con cái tuyệt đối không được làm với cha mẹ, bất cứ ai cũng cần phải biết!



Hãy điểm qua một lượt xem trong 5 việc dưới đây, bạn đã từng phạm phải việc nào không nên làm với bố mẹ hay chưa nhé!

Gia hòa vạn sự hưng, một gia đình có gia nghiệp hưng vượng nhất định phải rất yên ấm hòa thuận. Một gia đình chỉ có mâu thuẫn và xung đột làm việc gì cũng khó thành.

Đũa bát còn có lúc xô, cùng sống chung dưới một mái nhà, con người cũng khó tránh được lúc va chạm.

Tuy nhiên, đã là người một nhà, nếu càng bao dung sẽ càng hạnh phúc; giữa vợ với chồng, bao dung càng nhiều thì tình cảm càng sâu dậm; giữa hàng xóm với nhau, bao dung càng nhiều thì càng dễ sống; giữa bạn bè với nhau, bao dung càng nhiều thì tình bạn càng bền lâu; giữa đồng nghiệp với nhau, bao dung càng nhiều thì làm việc càng thuận lợi…

Trong gia đình, với người làm con, làm được 5 việc và với người làm cha mẹ, làm được 7 việc dưới đây, gia đình sẽ luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười:

5 điều người làm con không được làm với cha mẹ
1. Không oán trách bố mẹ vô dụng
Đừng ngưỡng mộ bố mẹ người khác giỏi giang, thành đạt, kiếm nhiều tiền mà nghĩ rằng "bố thì phải thế nào mới đáng làm bố, mẹ thì phải thế nào mới đáng làm mẹ".
Hãy chân thành và tôn trọng bố mẹ mình: "Con chấp nhận, bố mẹ chỉ có vậy; con chấp nhận, là con đã lựa chọn bố mẹ; con đón nhận và tận hưởng mọi thứ bố mẹ cho con."

2. Không oán trách bố mẹ nói nhiều
Trong cuộc sống, vì con cái có lúc không làm nên việc nên người làm bố mẹ đôi khi có nói thêm vài câu. Những lúc đó, con cần biết, chỉ có người thực sự yêu thương mình mới nhắc nhở mình. Bố mẹ bạn sẽ không bao giờ nói nhiều với những người không liên quan.

3. Không oán trách việc bố mẹ trách móc mình
Bố mẹ có trách móc mình cũng là bởi chưa hài lòng với biểu hiện, hành động… của chúng ta mà thôi. Khi chúng ta làm đủ tốt những việc cần làm, họ sẽ mong chúng ta làm tốt hơn nữa!

4. Không oán trách bố mẹ chậm chạp
Người lớn tuổi, hành động lẽ tự nhiên sẽ trở nên chậm chạp. Vì thế, tuyệt đối không được chê bố mẹ chậm, bởi chúng ta mãi mãi chẳng thể tưởng tượng ra được khi chúng ta còn nhỏ, họ đã phải nhẫn nại đến mức nào để dạy chúng ta chập chững từng bước chân đầu tiên trong đời.

5. Không oán trách bố mẹ bệnh tật
Khi bố mẹ mắc bệnh, chúng ta có thể làm được những gì? Chúng ta có thể tận tâm tận lực chăm sóc bố mẹ hay không?
Cuộc đời, sinh mệnh không phải dùng để oán trách. Chúng ta dần trưởng thành cũng là lúc bố mẹ dần già đi, cho đến khi rời xa chúng ta…
Không có bố mẹ, sẽ không có chúng ta. Oán trách, không hiểu cho bố mẹ là bất hiếu. Nếu đến bố mẹ mà chúng ta còn không bao dung, thử hỏi chúng ta có thể yêu thương, đón nhận được ai?
Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu. Từ lúc này, những ai đã lỡ oán trách bố mẹ mình, hãy sửa ngay nhé!

7 điều cha mẹ không nên làm với con cái
1. Không trách con cái trước mặt đám đông
Trước mặt đám đông, không nên trách mắng con cái, như thế bố mẹ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con, thậm chí khiến con mất tự tin.

2. Không trách mắng khi con đã hối hận
Nếu thấy con cái đã nhận ra sai lầm và hối hận trước những việc chúng làm, bố mẹ hãy ngừng việc trách mắng, hãy thông cảm và hiểu cho con cái.

3. Không trách mắng con trước giờ đi ngủ
Trước giờ đi ngủ vào buổi tối, bố mẹ tuyệt đối không nên trách mắng con. Nếu làm như vậy, con sẽ mang một tâm trạng nặng nề, ủ dột vào giấc ngủ và như thế, giấc ngủ đó sẽ khó trọn vẹn, thậm chí khiến con gặp ác mộng.

4. Không trách mắng con trong giờ ăn cơm
Giờ ăn cơm mà lôi chuyện không hay của con ra chỉ trích, nói nặng lời sẽ khiến trẻ khó có thể nuốt trôi cơm. Có ăn được đi nữa trẻ cũng sẽ uất nghẹn, khó tiêu hóa.

5. Không trách con trong lúc con đang hào hứng
Khi trẻ đang hân hoan vui vẻ, ở trong trạng thái hưng phấn, nếu bị lôi ra trách mắng sẽ khiến tinh thần con xuống dốc, thậm chí tổn thương.

6. Không trách mắng khi con đang buồn chán
Khi con bạn đang khóc, tốt nhất bạn không nên trách con. Việc khóc bản thân nó đã là một sự giải tỏa cảm xúc, giúp con đỡ nặng nề hơn. Nếu mắng con vào thời điểm đó, bố mẹ đã vô tình bồi thêm áp lực lên cảm xúc của con.

7. Không trách mắng khi con đang ốm
Khi con đang ốm, tuyệt đối đừng trách mắng chúng. Người bệnh vốn dĩ đã rất mệt mỏi, lúc đó các con cần quan tâm chăm sóc yêu thương.

Nói tóm lại, gia đình là nơi mà các thành viên tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau trải qua sóng gió cuộc sống để cùng lớn lên, cùng trưởng thành.

Gia đình là một bến cảng bình yên trước bộn bề sóng gió. Gia đình cũng là một cây nến hội tụ ánh sáng làm bừng sáng màn đêm. Và gia đình cần tất cả các thành viên phải biết yêu thương, trân trọng lẫn nhau!

Bài đăng nổi bật

KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ TỐI ƯU THU-PHÁT

KỸ THUẬT] KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ. Tất nhiên, trong việc xây dựng một mạng lưới WiFi hiệu suất cao & ổn định, ch...