Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

NGƯỜI LÃNH ĐẠO ÍT NÓI, NHƯNG KHI NÓI PHẢI CÓ UY LỰC

I) BÀI HỌC TỪ SƯ TỬ

1. Sư tử là vua các loài thú rừng. Nó không có bộ da lông nhiều màu mè. Người lãnh đạo giỏi không ăn mặc cầu kỳ, lòe loẹt, sa hoa.

2. Sư tử đi vững chắc, không nhảy nhót, không ngoáy đuôi, không làm động tác thừa. Người lãnh đạo giỏi vui vẻ hòa đồng nhưng tránh nói tào lao. Không làm điều lố bịch để giữ uy nghi, tôn nghiêm.

3. Sư tử cất tiếng gầm, cả khu rừng im lặng nghe, con nai phải vểnh tai, con khỉ ngừng nhảy nhót, con chim không dám hót. Người lãnh đạo ít nói nhưng khi nói là có uy lực khiến người khác lắng nghe, khâm phục, khiếp sợ.

4. Sư tử không can thiệp việc nhỏ nhặt, không can dự tranh chấp giữa những loài khác. Người lãnh đạo giỏi cốt giữ lấy đại cuộc, không bênh vực bên nào, không tham gia cuộc tranh chấp đúng sai của kẻ thuộc quyền.

5. Sư tử ăn xong, nó nằm ngửa nhe răng ra cho bọn chim sáo rỉa sạch kẽ răng, ăn thịt thừa. Người lãnh đạo giỏi không tiêu diệt bọn tiêu nhân mà tìm cách sử dụng bọn tiểu nhân.

II) BÀI HỌC TỪ SÓI
1. Loài sói đi săn theo đàn. Người trí nhân tạo ra thành công lớn phải có nhóm công tác.

2. Loài sói chia đều thức ăn. Người trí nhân ăn ở công bằng, theo năng lực, cống hiến mà thụ hưởng.

3. Thất bại, loài sói không đổ lỗi cho nhau. Lặng lẽ đi tìm mồi khác. Người trí nhân phải biết đoàn kết, không chia rẽ lúc bại trận.

4. Trước khi vồ vây tóm con mồi, loài sói dàn trận, có kịch bản, con nào cũng có vai trò. Người trí nhân làm việc phải có kế hoạch chặt chẽ, không để dư thừa nhân lực vô ích.

5. Con sói già được nghỉ, con sói mới sinh đẻ thì nuôi con non ở hang, sói con được chăm sóc. Người trí nhân kính trọng kẻ có kinh nghiệm để học hỏi; nuôi dưỡng lực lượng kế cận để trông cậy khi mình về già.

6. Loài sói lạnh lùng, an nhiên. Được con mồi lớn cũng không kiêu, để mất con mồi cũng không chán nản. Không ngừng thay đổi chiến thuật để đạt hiệu quả cao nhất. Kẻ trí nhân giữ cái đầu lạnh, đối phương không biết mình đang được hay thua. Chỉ nghiên cứu phương pháp làm việc hiệu quả hơn, không lục quá khứ để chỉ trích bản thân và chỉ trích nhau, không hoài cổ về một thời hoàng kim xưa cũ.

7. Bầy sói có con đầu đàn nhưng nhìn bên ngoài, không dễ biết đâu là con đầu đàn. Kẻ trí nhân ẩn thân, ăn mặc đơn giản để kết nối tập thể, phát huy sức mạnh đoàn kết. Cũng là để dễ tránh tai vạ từ bên ngoài.

8. Loài sói ăn chia hết sạch sẽ con mồi. Người trí nhân không sa hoa, lãng phí vô ích.

III) BÀI HỌC TỪ ĐẠI BÀNG
1. Đại bàng bay trên cao ung dung tự tại, độc lập, không đi chung với các loài khác. Kẻ anh hùng làm bạn với anh hùng, có thể hòa đồng với tiểu nhân nhưng không để đám tiểu nhân làm bận tâm trí.

2. Tuyệt đối tập trung vào con mồi, không xao nhãng công việc chính. Kẻ anh hùng có một chiến lược cuộc sống và trung thành với chiến lược đó.

3. Đại bàng tuyệt đối không ăn đồ thối nát, chỉ ăn mồi tươi mới. Kẻ anh hùng thích thử thách và chinh phục thành công mới.

4. Đại bàng thích chơi đùa với mưa bão vì nó có khả năng bay cao hơn cả những đám mây và lướt trên giông bão. Kẻ anh hùng không sợ chông gai, khó khăn. Trái lại, khó khăn chính là cơ hội để biểu hiện bản lĩnh khác người.

5. Khi biết mình già nua, đại bàng tìm một hang đá, tự dứt bỏ hết lông, vuốt. Đợi chờ khi lông và vuốt móng mới mọc lên mới đi ra ngoài. Kẻ anh hùng biết hủy diệt cái cũ để làm cách mạng cho chính mình.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Bài học về quản trị nhân sự của Sư tử và Kiến

Câu chuyện vui mà thấy THẤM !!!!!

"Mỗi ngày Kiến đi làm rất sớm và bắt tay ngay vào làm việc. Kiến làm việc rất giỏi và luôn luôn vui vẻ. Ông chủ của chú, là con Sư Tử, rất ngạc nhiên khi thấy Kiến làm việc mà không cần sự giám sát. Sư Tử chợt nghĩ rằng nếu được giám sát thì chắc chắn Kiến sẽ làm việc có hiệu quả hơn.
Thế là Sư Tử thuê Gián về làm giám sát. Sau khi được thuê, quyết định đầu tiên của Gián là gắn một cái đồng hồ treo tường để theo dõi việc đi làm đúng giờ. Gián cũng cần một thư ký để thay nó viết ghi chú hay làm báo cáo, và thế là nó thuê một con Nhện – để quản lý báo cáo và nhận các cuộc gọi.
Sư Tử rất hài lòng về những báo cáo của Gián và yêu cầu Gián làm thêm những biểu đồ theo dõi sản lượng và phân tích xu hướng thị trường, để nó có thể trình bày tại cuộc họp Ban quản trị. Vậy là Gián mua một cái laptop mới cùng với một máy in lazer, rồi thuê một con Ruồi làm quản lý bộ phận IT.
Nhắc tới Kiến, lúc trước làm việc rất chăm và thoải mái, giờ Kiến rất bực mình vì những công việc giấy tờ và những cuộc họp vô bổ làm mất hết thời gian của nó!
Trong khi đó, ông chủ Sư Tử đi đến kết luận là cần phải cử một người làm quản lý nguyên cả bộ phận mà Kiến đang làm việc. Chức vụ ông chủ nhỏ này được giao cho một con Ve Sầu. Quyết định đầu tiên của Ve Sầu là mua ngay một cái thảm đẹp và một cái ghế thật êm cho phòng làm việc của nó.
“Ông chủ” Ve Sầu này cũng cần thêm một máy vi tính và một thư ký riêng, đó là thư ký cũ của nó, người đã giúp nó chuẩn bị Kế Hoạch Tối Ưu Hoá Chiến Lược Kiểm Soát Công Việc & Ngân Quỹ. Văn phòng nơi Kiến làm việc trở thành một nơi buồn bã, chẳng còn ai cười đùa và mọi người trở nên lo lắng khó chịu.
Thế là Ve Sầu thuyết phục ông chủ lớn, là con Sư Tử, về sự cần thiết phải làm một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường làm việc tại đây. Sau khi xem lại các báo cáo tài chính trong văn phòng nơi Kiến làm, Sư Tử phát hiện ra năng suất đã giảm sút hơn trước đây rất nhiều.
Thế là Sư Tử thuê một con Cú, đó là một cố vấn nổi tiếng và có uy tín, để tiến hành điều tra và đưa ra các giải pháp cần thiết. Cú bỏ ra 3 tháng để nghiên cứu về văn phòng và viết một báo cáo khổng lồ lên đến vài quyển và đi đến kết luận: “Văn phòng này có quá nhiều nhân viên”.
Hãy đoán xem ông chủ Sư Tử sa thải ai đầu tiên? Và nếu là ông chủ Sư Tử, lựa chọn của bạn là gì?
Con kiến bị sa thải vì nó “thiếu động cơ làm việc và có thái độ bi quan trong công việc”. Kết quả thật bất ngờ phải không!
Vậy bài học rút ra từ câu chuyện kể trên là gì?
Sai lầm có lẽ xuất phát từ thời điểm Sư Tử quyết định thuê thêm giám sát với hy vọng Kiến sẽ làm việc năng suất hơn nữa. Tuy nhiên đáng tiếc Sư Tử đã nhầm.
Đứng trên cương vị của một nhân viên, bất kỳ ai cũng mong muốn có môi trường làm việc thoải mái, tự do và được tự chủ nhiều nhất có thể. Không ai muốn mình luôn bị giám sát, thúc ép liên tục một cách thái quá.
Bằng chứng là sau khi các “cấp trên” gồm Gián, Nhện rồi Ve Sầu… lần lượt được bổ nhiệm, sự vui vẻ và thoải mái trong công việc của Kiến trước đây đã biến mất. Thay vào đó là cảm giác lo lắng, khó chịu. Điều này đương nhiên gây ra hậu quả trực tiếp là khiến năng suất lao động của Kiến giảm sút.
Chưa kể, việc bộ máy quản lý ngày một trở nên cồng kềnh, phức tạp khi có tới 8 quản lý mà chỉ có duy nhất mình Kiến trực tiếp sản xuất. Mọi công đoạn đều chậm lại và gián tiếp ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Là một nhà quản lý, bạn luôn cần quan tâm tới việc phải đơn giản đến mức tối thiểu bộ máy quản lý. Bài toán đặt ra bộ máy quản lý đơn giản nhưng kết quả làm việc phải đạt được ở mức cao nhất.
Rốt cục, mục tiêu cuối cùng đối với bất kỳ công ty vẫn là doanh thu và lợi nhuận và không ai khác chính những chú Kiến là nhân tố chủ chốt của vấn đề.
Chính vì vậy, kinh nghiệm là cần phải tạo ra môi trường tốt nhất cho những chú Kiến, giúp chúng cảm thấy thoải mái, vui vẻ từ đó tạo ra năng suất làm việc hiệu quả nhất.
Vậy nếu đã lỡ là nhà lãnh đạo giống Sư Tử kể trên, trong trường hợp này bạn có sa thải Kiến không và giải pháp cứu công ty thoát khỏi tình trạng này là gì?"
Cuối cùng, để tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên, đừng bao giờ tham gia các khóa học mà ở đó các diễn giả chỉ là những người....đọc sách dùm bạn...

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Cổ nhân dạy đáng suy ngẫm: Cho vay gạo chứ không cho vay củi, cho mượn áo chứ không cho mượn giày

Cho vay gạo là tích phúc cho mình, là cứu tế người, bởi thế thông thường người ta sẽ không cự tuyệt. Tuy nhiên, củi có khắp nơi, chỉ cần mình nỗ lực đều có thể đi kiếm củi được. Thế nên, người xưa sẽ chọn cứu người nghèo chứ không bao giờ cứu người lười nhác…

Thêm chú thích

1. Không làm người trung gian, không làm người bảo lãnh thì cả đời không phiền não

Thật vậy, sống ở đời, nếu chúng ta không làm người trung gian, không làm người bảo lãnh thì sẽ không có muộn phiền, suy nghĩ. Làm người trung gian thì nhất định 2 bên đều quen biết, đều là bạn bè.

Khi không xảy ra sự việc thì không sao nhưng đến khi xảy ra sự việc, 2 bên không tốt nữa thì họ đều đổ tội lên thân mình. Cuối cùng, sự tình cũng hỏng mà bạn bè cũng theo đó mà đánh mất nhau.

2. Ăn cơm người vác tù và hộ người

Trong cuộc sống dựa vào người khác, thế thì phải phục tùng người ta, chịu ước thúc của người ta.

Quyền kinh tế quyết định quyền phát ngôn. Muốn không bị người khác quản thì phải tự lực cánh sinh. Người trẻ tuổi không nghe lời cha mẹ, nhưng về kinh tế lại dựa vào cha mẹ, thì đó là trái đạo lý.

3. Sâu rau chết trong rau

Quả không sai khi nói rằng: Làm việc xấu ở đâu thì thường sẽ mất mạng ở đó. Kẻ trộm mộ thường chết trong mộ, kẻ trộm sông thường chết dưới sông.

4. Cho vay gạo chứ không cho vay củi, cho mượn áo chứ không cho mượn giày

Cho vay gạo là tích phúc cho mình, là cứu tế người, bởi thế thông thường người ta sẽ không cự tuyệt. Tuy nhiên, củi có khắp nơi, chỉ cần mình nỗ lực đều có thể đi kiếm củi được. Thế nên, người xưa sẽ chọn cứu người nghèo chứ không bao giờ cứu người lười nhác.

Thêm nữa, chúng ta không cho mượn giày là vì mỗi người có cỡ chân khác nhau, rất khó tìm được giày vừa chân. Hơn nữa giày là để đi, cho người ta mượn đi bẩn giày, rách giày rồi thì trả lại cũng làm khó cho cả 2 bên.

5. Đánh người không đánh vào mặt, mắng người không vạch khuyết điểm

Không được chọc vào nỗi đau của người khác nếu phát sinh mâu thuẫn với người khác. Chúng ta sẽ cảm thấy hả dạ nhất thời nhưng sẽ để lại mối họa hoạn khôn cùng. Bởi vậy cần kiểm soát được tâm trạng thì mới có hòa khí sinh tài.

6. Gạo củi vợ chồng, rượu thịt bạn bè, hộp quà thân thích

Có thể nói, quan hệ càng thân mật thì sẽ càng chất phác, chân thực hơn. Giữa vợ chồng là củi gạo mắm muối, giữa bạn bè là ăn uống rượu chè, giữa họ hàng là quà cáp bánh trái.

7. Nhân từ không nắm binh quyền, nghĩa khí không nắm tiền tài

Người nhân từ mềm lòng không thể dẫn dắt quân đội. Người nghĩa khí không thể nắm giữ quản lý tiền của tài sản.

Chiến trường liên quan đến sống chết, thời khắc then chốt không thể có cái nhân từ mềm yếu của phụ nữ, nếu không sẽ thua thảm hại, mất đi sinh mệnh của bao nhiêu người.

Người trung nghĩa trên đời thường nhiều bằng hữu, họ là người trọng nghĩa khinh tài, do đó người nghĩa khí không được nắm giữ tiền của tài sản, vì sẽ không giữ được.

8. Anh em thân thiết, sổ sách rõ ràng

Hãy nhớ rằng: Giữa người thân thì điều không thể thiếu nợ chính là nợ kinh tế. Thân thiết như anh em ruột thịt cũng phải nợ nần sổ sách tính toán rõ ràng.

Chỉ có nợ nần sổ sách tính toán minh bạch rõ ràng thì mới có thể hóa giải mâu thuẫn kinh tế, hóa giải mối quan hệ giữa các thành viên, thúc đẩy hợp tác lâu dài.

9. Đại phú do mệnh, tiểu phú do cần

Có thể trở thành đại phú đại quý hay không là do Thượng Thiên chú định. Một người có thể khá giả hay không là dựa vào nỗ lực cá nhân, cần kiệm mà thành.

Trong mệnh có cái đó thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh không có cái đó thì chớ cưỡng cầu. Sống thiết thực, thanh bạch, cứ làm tốt việc của mình là đủ rồi. Cái gì đáng có sẽ có, cái gì nên đến sẽ đến.

10. Nghèo nơi đô hội không người hỏi, giàu tại rừng sâu có người tìm

Thật vậy, người nếu nghèo hèn thì ở giữa đô hội đông đúc cũng không có người tìm đến. Ngược lại, người nếu giàu sang thì ở nơi núi sâu rừng thẳm cũng có người tìm đến kết thân xu nịnh.

Nhân tình thế thái luôn phân ra nóng (nhiệt tình) và lạnh (lãnh đạm), từ xưa đến nay vốn vẫn như thế.

11. Thà phá 10 tòa thành còn hơn hủy hoại hôn nhân một nhà

Phá hủy hôn nhân người khác là sự việc tệ hại khủng khiếp. Hủy hôn nhân một nhà là hủy đi hạnh phúc của cả 3 đời. Cha mẹ thương tâm, vợ chồng ly tán, con cái ràng buộc, những sai lầm trong đó không thể nào bù đắp nổi.

12. Cháu con tự có phúc phận riêng, chớ làm trâu ngựa cho cháu con

Có rất nhiều cha mẹ quần quật làm việc để tích trữ gia tài cho con cái. Bởi, họ lo con cái không biết nấu ăn, không có công việc tốt, không có người yêu tốt. Thế nhưng, con cháu đời sau có phúc khí riêng của con cháu, chúng cần phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của chúng. Làm cha mẹ cũng không nên làm trâu ngựa cho cháu con, quá lo nghĩ gắng sức vì chúng.

Bởi vậy, lo nghĩ chu toàn cho con cháu quá khiến chúng mặc nhiên hưởng thụ, sẽ tự tiêu hao phúc phận của chúng. Thế nên người xưa nói: “Thương quá hóa hại con” chính là đạo lý này.


Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Đạo lý 100-1= 0 hiểu thấu lòng người: Bài học về làm người, trần trụi nhưng thực tế

Sống ở đời, có một vài người quen “được nhận”, nhưng lại quên “cảm ơn”, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của hai chữ “lương tâm”. Dù bạn có trăm cái tốt (100), nhưng chỉ cần có một cái không tốt thôi (1), họ sẽ lập tức phủ định mọi sự bỏ ra vì họ trước đó của bạn; bất kể bạn có hết lòng hết dạ ra sao, nhưng chỉ cần một cái không đúng thôi, mọi thứ sẽ trở thành công cốc (0), sẽ trở thành tội thêm tội, nói bạn vô lương tâm.

100 - 1 = 0

Một hòa thượng viết lên trên đất 4 phép tính:
2+2=4; 4+4=8; 8+8=16; 9+9=19
Các đồ đệ thấy vậy liền nhao nhao lên nói: "Sư phụ ơi, thầy tính sai một câu rồi."
Lão hòa thượng ngẩng đầu lên, chầm chậm nói: "Đúng, mọi người thấy rất rõ, phép tính này thầy tính sai. Nhưng ba phép tính trước thầy tính đúng, vì sao mọi người không khen thầy, mà lại chỉ nhìn thấy một phép tính mà thầy làm sai?"
Làm người cũng vậy, bạn đối xử tốt với người ta 10 lần, họ có thể sẽ quên rất nhanh, nhưng có thể chỉ một lần không vừa lòng thôi, họ sẽ quên hết tình nghĩa trước đó mà "ghim" bạn cả đời.
Đây chính là đạo lý 100 -1 = 0 lòng người.
Người ta nói rất đúng: "một đấu gạo dưỡng ân nhân, mười đấu gạo dưỡng kẻ thù", khi người khác gặp khó khăn, bạn cho người ta một đấu gạo là giúp đỡ họ, nhưng nếu bạn cứ cho họ quá nhiều, cho liên tục, họ sẽ cho rằng đó là điều đương nhiên, một khi bạn dừng lại, họ sẽ quay ngược lại oán trách bạn.
Sống ở đời, có một vài người quen "được nhận", nhưng lại quên "cảm ơn", không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của hai chữ "lương tâm".
Dù bạn có trăm cái tốt (100), nhưng chỉ cần có một cái không tốt thôi (1), họ sẽ lập tức phủ định mọi sự bỏ ra vì họ trước đó của bạn; bất kể bạn có hết lòng hết dạ ra sao, nhưng chỉ cần một cái không đúng thôi, mọi thứ sẽ trở thành công cốc (0), sẽ trở thành tội thêm tội, nói bạn vô lương tâm.
Trong hiện thực cuộc sống, có một vài kiểu người: giúp họ trăm lần, họ không ghi nhớ ơn huệ; nhưng nửa lần không giúp thôi, họ liền sẽ ghi hận.
Mãi cho tới khi được lên lớp, bạn mới biết: cho đi không điều kiện, thứ thắng lại không phải là chân tâm, mà là một lần vỡ mộng.
Mãi cho tới khi được lên lớp, bạn mới biết: có tình có nghĩa giúp đỡ, thứ đổi lại được không phải là chân tình, mà là một bài học nhớ đời.
Làm người, rộng lượng, được, nhưng nếu gặp phải người lấy oán báo ơn, nói không chừng lòng tốt của bạn chỉ là phí công vô ích.
Làm người, lương thiện, được, nhưng nếu gặp phải người không thấu tình đạt lý, nói không chừng sự hết mình của bạn sẽ chỉ trở thành lãng phí.
Làm người, bao dung, được, nhưng nếu ban phát nó cho người tính toán, hẹp hòi, nói không chừng sự nhẫn nại của bạn lại thành công cốc.
Vô tư đổi lại tính toán, nỗ lực bỏ ra đổi lại lấy sự tổn thương
Tôi rất thích đoạn văn này:
"Người ngốc, không sao, không giả tạo là được.
Người tinh, cũng không sao, không xấu xa là được.
Giỏi lợi dụng người khác, chẳng sao, đừng dỡ cối giết lừa là được.
Người giàu người nghèo, chẳng sao, biết nỗ lực bỏ ra là được.
Ai không từng nói sau lưng người khác, ai không từng bị người khác nói sau lưng, nếu một ngày bạn phát hiện ra tôi xa cách với bạn, đó chắc chắn là bởi vì bạn quá tinh khôn, còn tôi lại quá ngốc, không hợp chơi với nhau."
Đời người giống như làm ăn, bỏ ra không nhất định sẽ được hồi đáp, xã hội hiện tại quá thực tế.
Làm người quá lương thiện, sẽ bị người khác ức hiếp; đối xử với người khác quá tốt, họ sẽ cho rằng đó là lẽ dĩ nhiên; quá thật thà, sẽ bị người khác cho là ngốc; quá nghĩa khí, sẽ bị họ lợi dụng.
Vô tư đổi lấy tính toán, bỏ ra đổi lấy tổn thương.
Ra ngoài đời, bất luận người ta nhiệt tình hay lạnh lùng với bạn, đều không sao cả.
Có những chuyện, không cần lãng phí nước bọt, mỉm cười cho qua là được.
Có những chuyện, hà cớ gì phải phân rõ trắng đen rạch ròi, cứ hồ đồ một chút, vui vẻ sẽ nhiều hơn.
Làm người, quan trọng nhất là: miệng không nói, nhưng lòng thì hiểu rất rõ.
Thản nhiên một chút, đừng quá quan tâm tới thái độ và cảm nhận của người khác; đơn giản một chút, đừng dùng cái thước đo mà người khác cho mình để đo tầm của bản thân.
Sống ở đời, đừng lừa gạt người khác. Lời nói dối là một con dao găm vào tim những người tin tưởng bạn, đau đớn biết bao!
Tin tưởng là một ly nước, một khi bị vẩn đục sẽ khó lòng tinh khiết lại; tin tưởng là một tấm gương, một khi gương vỡ, sẽ khó mà lành lại.
Một người, nếu chân thành, đáng tin cậy, ai chẳng muốn lại gần; nhưng một khi đã thất hứa thì niềm tin mà người khác dành cho bạn cũng sẽ theo đó mà sụp đổ.
Sống ở đời, đừng tính toán với người khác. Luôn tính toán so đo với người khác, cả đời sẽ chỉ sống trong sự keo kiệt, bủn xỉn; luôn muốn chiếm lợi ích từ người khác, cuối cùng rồi sẽ chỉ có kết cục cô đơn.
Người dám chịu thiệt cuối cùng sẽ chẳng phải chịu thiệt bao giờ, bởi lẽ người không trả, trời ắt sẽ trả; người độ lượng cuối cùng sẽ không thua, khoan dung nhất thời, đổi lại cả đời nhân duyên.
Làm người, phải để lương tâm vào trong tim, để đức hạnh cài lên người. Bất luận là tình yêu hay tình bạn, nếu bạn đánh mất đi sự chân thành, quên đi sự biết ơn, mất đi sự tin cậy, bạn sẽ chẳng còn là gì!
Làm người, là lấy tâm đổi lấy tâm, lấy tình đổi lấy nghĩa; khoảng cách từ tâm tới tâm, nằm ở thấu hiểu, nằm ở chân thành.
Đừng chiều hư người không biết điều, đừng bao dung với người vô ơn
Con người, là động vật có lòng tham vô đáy, mỗi một lần bạn cho đi, là một lần cho không. Chỉ cần một lần cự tuyệt, sẽ oán than bạn không nghĩa khí, hẹp hòi, quên hết tất cả những ý tốt của bạn trước đó.
"Lòng tốt" của bạn đối với người khác mà nói, nó giống như một cây kẹo, ăn rồi sẽ quên mất người cho là ai. "Lòng xấu" của bạn đối với người khác lại giống như cái đinh, đau rồi sẽ nhớ mãi ai là người ghim vào mình. Đây chính là hiện thực mà bạn không thể không chấp nhận.
Lúc dùng được bạn, hết lời ngon ngọt;
Không dùng được bạn nữa, ngay lập tức quay đầu.
Lúc thích bạn, bạn sẽ là ngôi sao đẹp nhất;
Lúc ghét bạn, bạn chính là phong cảnh xấu nhất.
Đây chính là xã hội mà bạn không thể không chấp nhận.
Đừng bao giờ cho rằng bạn toàn tâm toàn ý giúp đỡ thì sẽ đổi lại được sự báo đáp xứng đáng.
Thế gian này luôn tồn tại những người vô tâm, coi thường tấm lòng của người khác.
Đừng cho rằng bạn khoan dung độ lượng, sẽ đổi lại được sự chân thành xứng đáng.
Thế gian này, luôn có những người vô ơn, không hiểu thế nào là báo đáp.
Tâm phải ngay thẳng, tình nghĩa phải trân trọng, nhưng phải xem là đối với ai. Người với người thực ra rất đơn giản, nhưng tâm với tâm lại vô cùng phức tạp.
Kết bạn với một người quân tử sẽ có ích cho bạn cả đời; chẳng may gặp phải tiểu nhân, sẽ khiến bạn bị kéo xuống vũng bùn lầy.
Muốn giúp người, trước tiên cũng hãy nhìn người mà giúp: người biết biết ơn, giúp họ là tình nghĩa; kẻ vô ơn, không giúp là bổn phận.
Muốn thật lòng, trước tiên hãy xem đó là ai; người thành tâm với bạn, hãy thật lòng thật dạ; người vô tâm với bạn, hãy dứt khoát nói "không".
Người quan tâm tới bạn, hãy quan tâm tới họ gấp đôi; người không để ý tới bạn, hãy lơ họ, đó gọi là yêu ghét phân minh.
Người đối tốt với bạn, một giọt ân huệ, hãy trả lại bằng một thùng báo đáp; người không tốt với bạn, tuyệt đối đừng dây dưa lằng nhằng; đây là nguyên tắc tự tôn tự trọng.
Đối nhân xử thế, anh tôn trọng tôi, tôi tôn trọng anh; anh xem thường tôi, tôi cũng không cần xem anh ra gì, đơn giản vậy thôi!
Đừng chiều hư những người không biết cảm kích; đừng hết mình với những kẻ vô ơn.
Lời kết:
Hãy để lời hứa dành cho những người thành tín! Dành sự quan tâm cho những người trọng tình!
Hãy dành sự chân thành cho những người chân thành! Dành sự trọng nghĩa cho những người tình cảm!
Hãy dành sự lương thiện cho những người biết cảm ơn! Dành sự thật lòng thật dạ cho người biết trân trọng!

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

6 chữ đơn giản nhưng "vạn năng", giúp người người tìm được lối thoát khi bế tắc: Ai cũng nên biết!

Trước đây, có một người đàn ông luôn hy vọng mình có thể tìm được một phương pháp vạn năng, gặp việc gì cũng có thể giải quyết được. Thế nhưng tìm mãi không ra, ông ta tìm đến một trí giả xin chỉ bảo.
Vị thính giả nghe xong câu chuyện liền tặng cho ông ta một chiếc túi nhỏ. Mở ra xem, người đàn ông phát hiện trong đó có 3 mảnh giấy, lần lượt từng mảnh có viết: Bình tĩnh, đổi hướng, buông bỏ.
Người đàn ông không hiểu cho lắm nhưng vẫn bỏ những mảnh giấy vào túi và chào từ biệt trí giả.
1. Bình tĩnh
Người đàn ông này làm nghề bán chum vại. Hàng ngày, ông ta dậy tự rất sớm, gánh chum vại, băng qua một quãng đường núi gập ghềnh để đến được khu chợ bên kia núi.
Một hôm, trời còn chưa sáng, người đàn ông gánh chum vại đi, không may bước hẫng nên chiếc vại phía bên trái vừa đổ nghiêng sang một bên, nắp vại đã rơi và lăn xuống dưới theo đường núi.
Ông ta vừa xót ruột vừa vội vã, miệng lẩm bẩm: "Lần này thì tai hại rồi, nắp vại vỡ rồi, chiếc vại này làm sao mà bán được đây, lại còn mất công gánh nó đi cả một đoạn đường dài."
Nói xong, ông ta tức giận nhấc chân lên và đá chiếc vại xuống khỏi quang gánh rồi đi tiếp.
Đi một lúc nữa thì trời sáng, người đàn ông nhìn thấy chiếc nắp vại lăn xuống dưới lúc trước đang nằm kề đám cỏ bên đường, chẳng sứt mẻ gì, trong lòng không khỏi mừng rỡ.
Nhưng rồi ông ta lại nghĩ, chiếc vại đã bị mình đá đi rồi, giữ lại cái nắp này liệu có tác dụng gì. Nghĩ vậy, ông ta không khỏi than thở: "Tạo hóa trêu ngươi", càng nghĩ lại càng tức tối, ông ta rút đòn gánh ra đập cái nắp vỡ vụn.
Đến khi xuống đến chân núi, người đàn ông lại phát hiện ra chiếc vại nằm gọn trên bãi cỏ, chẳng hề xây xước. Ông ta vui mừng, hối hận lẫn lộn nhưng chiếc nắp vại đã vỡ, mọi việc có tiếc nuối cũng đã muộn.
Lúc đó, ông ta mới nhớ đến hai chữ BÌNH TĨNH trên mảnh giấy đầu tiên vị trí giả đưa cho mình. Ông đập tay vào chân mình, trách bản thân đã quá nóng vội.
2. Đổi hướng
Về sau, trong ngôi làng mà người đàn ông này ở rộ lên trào lưu đi nhặt ngọc trai. Đến cuối cùng, người đổ đến làng ông ta mỗi lúc một đông, ngọc trai vì thế ngày một ít đi.
Khi đó, nhiều người phải đứng trước 2 vấn đề: Ở lại thôn thì cơm ăn không đủ no mà trở về quê nhà thì không cam tâm vượt đường xá xa xôi lại ra về tay trắng.
Tiến thoái lưỡng nan, mọi người đều rơi vào thế bí. Chứng kiến mọi người bế tắc như vậy, người đàn ông nhớ đến mảnh giấy thứ hai mà vị trí giả đưa cho mình: ĐỔI HƯỚNG.
Nghĩ một hồi, người đàn ông quyết định không tiếp tục tìm ngọc trai nữa mà chuyển sang dùng số tiền ít ỏi của mình đi mua lương thực, nước và quần áo về bán, nhờ đó mà kiếm được khá nhiều.
Ông ta lại dùng số tiền đó để sản xuất quần áo có độ bền cao, thỏa mãn được nhu cầu của những người săn tìm ngọc trai, trở thành phú thương giàu có ai ai cũng biết.
3. Buông bỏ
Một hôm, người đàn ông phát hiện vợ mình ngồi trong phòng, nét mặt buồn bã nên tiến lại hỏi xem đã xảy ra chuyện gì. Thì ra, người vợ buổi sáng ra chợ mua rau, chuẩn bị trả tiền thì phát hiện tiền rơi mất từ lúc nào. Trở về nhà, tìm một hồi không thấy đâu nên buồn rầu cả ngày.
Nghe xong, người đàn ông nhớ đến mảnh giấy thứ ba mà vị trí giả đưa cho mình khi trước: BUÔNG BỎ, liền nói với vợ mình: "Lần trước bà ra đường nhặt được tiền, cũng chỉ vui được một lúc, bây giờ bà mất tiền mà than thở buồn phiền suốt một ngày, cơm không thiết ăn, bà thấy có đáng không? Dù bà có buồn nữa thì tiền cũng không tìm lại được."
Người vợ nghe vậy, cảm thấy có lý nên trong lòng bất giác thoải mái dễ chịu.
Bình tĩnh, có thể giúp con người tránh được những hậu quả đáng tiếc do sự nóng vội gây ra, bình tĩnh ứng xử mọi việc, chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội thay đổi sự việc.
Đổi hướng, khi con đường chúng ta đi bị tắc nghẽn, đổi phương hướng khác, có thể chúng ta sẽ nhìn thấy đất trời bao la.
Buông bỏ, không đạt được những gì mình mong muốn, hãy buông bỏ, bỏ qua mọi việc cũng là bỏ qua cho chính mình.
6 chữ đơn giản này chính là cách thức xử lý chuẩn mực nhất khi chúng ta gặp phải bất cứ vấn đề gì. Hy vọng rằng chúng ta đều có thể lĩnh ngộ và nhận được sự trợ giúp từ đó.

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Trí tuệ đời người, dùng 12 chữ có thể nói tận: Thắng ở hòa khí, bại tại nóng tính, thành tại rộng lượng

Là người, ắt có sự nóng nảy, gặp việc khó khăn, có người để sự bốc đồng khỏa lấp, có người lại luôn giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, gặp chuyện gặp người hòa hòa khí khí, khống chế được sự nóng nảy, dùng sự hào sảng định nghĩa nên một cuộc đời ung dung tự tại của mình.


"Nhân sinh nhất thế, thảo mộc nhất thu", bất kể sự vật nào cũng có "một đời" của riêng minh, dài ngắn không giống nhau, con người sống 100 năm là một đời, cây cỏ sống 1 năm cũng là một đời.
Trí tuệ đời người, dùng 12 chữ có thể nói tận: thắng ở hòa khí, bại tại nóng tính, thành tại rộng lượng
Đời người, thắng tại hòa khí
Trong "Kinh Dịch" có viết: "Hòa khí trí tường, quái khí trí lệ", ý muốn nói, hòa khí có thể đem tới sự cát tường, ngược lại ắt rước họa vào thân.
Trong cuốn "Tứ thế đồng đường" của Lão Xá, một văn sĩ Trung Hoa, có một câu nói như sau: "Châm ngôn sống quan trọng nhất của người già đó là "hòa khí sinh tài"."
Hòa khí, là một loại trí tuệ đời người.
Tôi từng đọc qua một câu chuyện:
Ở một chợ rau nọ, có một bà lão bán rau vô cùng đắt hàng, chính vì vậy mà những người xung quanh rất đố kị với bà.
Những người bán hàng khác vì không bán được đắt hàng như bà, nên đã cố tình vứt rác, hoặc quét rác ra vị trí bà ngồi bán hàng.
Nhưng bà lão không hề tức giận, cũng chẳng chửi mắng ai.
Nhìn thấy cảnh tượng này, người bán hàng ngồi bên cạnh bất bình hộ bà: "Họ vứt rác sang chỗ của bà, sao bà không tức giận, không mắng cho họ một trận?"
Bà lão cười đáp:
"Ở quê chúng tôi, mỗi khi Tết đến xuân sang đều sẽ quét rác vào phía trong nhà, ngụ ý rác càng nhiều tài lộc càng nhiều, vậy thì sao tôi lại phải tức giận bọn họ?
Hơn nữa, hòa khí sinh tài! Tổn hại tới hòa khí là làm tổn hại tới tài lộc . Bà xem, tôi bán rau không phải càng ngày càng đắt hàng ư?"
Những người tiểu thương khác sau khi nghe kể chuyện cảm thấy rất hổ thẹn, không còn dám vứt rác sang chỗ bà lão ngồi nữa.
Sống ở đời, đôi khi, lùi một bước, chính là trời rộng sông dài.
Giống như bà lão trong câu chuyện, không tranh cãi với người khác, đối phó với tranh chấp bằng hòa khí, trông thì có vẻ giống cam chịu, nhưng thực ra là đang âm thầm dạy cho người khác một bài học làm người.
Thượng thiên nhược thủy, dĩ nhu khắc cương (sự cao thượng, thiện lương giống như dòng nước trong vắt, lấy nhu khắc cương). Hòa khí thường có thể hóa giải mâu thuẫn và bất hòa thành vô hình.
Dĩ hòa vi quý, vạn sự ắt hưng.
Đời người, bại tại nóng tính
Có câu nói rằng: "Nói là phải chậm, nóng tính cũng phải từ từ."
Nhiều khi, chúng ta vì không quản được tính khí, sự nóng tính của mình, mà một bước sai, bước bước sai, cuối cùng dẫn tới kết quả không ra đâu với đâu.
Tôi từng đọc được một câu chuyện ngụ ngôn kể về một con rắn trườn qua một cái cưa, không cẩn thận bị thương. Con rắn rất tức giận, lập tức quay người lại cắn cái cưa, kết quả lại làm bị thương cái mồm.
Con rắn tức giận hơn, cho rằng cái cưa đang chọc tức mình, vậy là nó lấy thân siết cái cưa, muốn cái cưa phải chết ngạt. Kết quả cuối cùng chắc ai cũng đoán được, con rắn bị cái cưa cứa cho tới chết.
Con rắn đó tới bản thân nó cũng không biết rằng hại chết nó không phải là cái cưa mà chính là sự nóng giận của mình.
Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Festinger từng đưa ra một phán đoán rất nổi tiếng, được gọi là "Luật Festinger".
Luật này chỉ ra: "10% cuộc sống được tạo thành từ những gì xảy ra với bạn, 90% còn lại quyết định bởi phản ứng của ban đối với những việc xảy ra."
Nóng nảy, ai chẳng có. Gặp chuyện không được như ý muốn, tức giận, dường như là bản năng của mỗi người.
Có người có thể khống chế được cảm xúc của mình, đè nén được sự nóng nảy xuống một cách kịp thời; có những người lại để cảm xúc khống chế, từ đó phạm phải những sai lầm ngu ngốc.
Giống như con rắn trong câu chuyện ngụ ngôn, vốn dĩ chỉ bị thương nhẹ, nhưng lại vì sự nóng nảy mà mất đi cả tính mạng.
Ai đó từng nói: điều tồi tệ nhất trên thế gian này chính là một khuôn mặt tức giận.
Napoleon cũng từng nói: "Một người đàn ông có thể kiểm soát cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn cả một vị tướng giành được một thành trì."
Con người sống ở đời, ai chẳng có lúc muộn phiền, khó khăn, muốn giải tỏa, phát tiết, muốn trút cục tức ra bên ngoài. thời khắc bạn mất bình tĩnh là thời khắc tốt nhất khảo nghiệm một con người.
Nếu có thể khống chế được, vậy thì bạn sẽ có thể trở thành chủ nhân thực sự của cảm xúc; còn ngược lại, bạn sẽ trở thành nô bộc của cảm xúc và bị chúng thao túng.
Đời người, thành tại rộng lượng
Những người thành công trước giờ không bao giờ chi li chấp vặt, càng không bao giờ câu nệ tiểu tiết.
Có một câu chuyện như sau:
Tần Mục Công, vị quốc quân thứ 14 của nước Tần, Trung Quốc bị mất con tuấn mã mà mình yêu thích, thì ra là bị bách tính bắt được nên đã mổ ra rồi chia nhau.
Quan sử tra ra được chuyện này, đã hạ lệnh bắt những người ăn ngựa lại, nghiêm trị theo luật pháp.
Tuy nhiên, Tần Mục Công sau khi biết được chuyện này đã ngăn quan sử lại và nói rằng: "Quân tử không nên chỉ vì một con vật mà giáng tội cho người khác. Ta nghe nói, ăn thịt ngựa mà không uống rượu thì sẽ rất hại cho cơ thể, người mang rượu qua tặng cho họ luôn đi."
3 năm sau, Tần Mục Công đi thảo phạt nước Tấn, thất bại bị bắt lại, thậm chí còn bị thương.
Chính trong lúc khó khăn này, xuất hiện một đội quân tinh anh, đột kích và đánh bại quân Tấn, Tần Mục Công cũng nhờ vậy mà chuyển bại thành thắng.
Đội quân này chính là những người năm xưa ăn thịt con ngựa yêu quý của Tần Mục Công, họ không những được tha mà còn được tặng rượu đến.
Sự độ lượng của Tần Mục Công đã giúp ông trồng được hạt giống báo đáp, đồng thời có được quả ngọt vào thời điểm thích hợp nhất.
Khoan dung, độ lượng, chính nhờ phẩm chất này mà Tần Mục Công trở thành một trong "Xuân Thu ngũ Bá" trong lịch sử Trung Quốc, lưu danh thiên cổ.
Victor Hugo từng nói: "Thế gian này, thứ rộng lớn nhất là biển, rộng lớn hơn biển là bầu trời, rộng lớn hơn bầu trời chính là sự độ lượng của lòng người."
Đời người giống như một bàn cờ, ai cũng phải học cách mở rộng thế cục bàn cờ của mình, thế cục của bạn, chính là kết cục của bạn.
Con người, sống ở đời,
Đối đãi với người khác bằng hòa khí, dùng nụ cười đánh tan hết âm u, tiền đồ trước mắt tự nhiên sẽ sáng lạn.
Kiểm soát sự nóng tính, làm chủ nhân chứ không phải nô lệ của cảm xúc, tự nhiên sẽ chẳng còn sợ hãi khó khăn.
Dùng sự khoan dung, độ lượng xử thế, tự nhiên sẽ vạn sự tất an.
Mong bạn và tôi đều có thể hòa khí làm người, vui vẻ làm việc, không tùy tiện tức giận, dùng sự khoan dung độ lượng đối đãi với mọi người xung quanh, trên con đường đời của mình, bước từng bước đi ổn định và vững chắc.


Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Người túc trí đa mưu: 3 không hỏi, 5 không nói

Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.

Tô Đông Pha, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống từng nói "đại dũng nhã khiếp, đại trí nhã ngu", ý muốn nói, kẻ dũng mãnh thực sự bề ngoài trông có vẻ nhát gan, kẻ trí tuệ đích thực bề ngoài trông lại giống như một tên ngốc.
Ông cũng nói "người thông minh, không tranh nghĩa khí nhất thời".
Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.

3 không hỏi

1. Không liên quan đến bạn, đừng hỏi
Có người nói, thế gian này chỉ tồn tại hai chuyện: chuyện liên quan tới bạn, chuyện liên quan tới tôi.
Con người thường có xu hướng quan trọng hóa bản thân, cho rằng trái đất không có mình sẽ ngừng quay. Thực ra, bạn không quan trọng tới vậy, trái đất không có bạn vẫn sẽ quay đều, người khác không có bạn vẫn có thể sống tốt.
Chuyện không liên quan tới bạn, đừng cứ đâm đầu đi nghe ngóng cho bằng được. Có thể bạn có ý tốt, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được ý tốt đó của bạn, lòng tốt của bạn lỡ làm mọi chuyện xấu đi, vậy thì không những sẽ thêm rắc rối cho người khác mà bản thân cũng chẳng thể yên.
2. Tương lai bất định, không hỏi
Người Trung Quốc có câu nói "muộn thanh phát đại tài", ý muốn nói, đôi khi, im lặng, không khoa trương là một cách để bảo vệ lợi ích của bản thân, đối với những việc chưa biết trong tương lai, tốt nhất đừng nên hỏi đông hỏi tây, cứ tiếp tục âm thầm nỗ lực là được.
Chẳng ai có thể nắm bắt được tương lai, thứ chúng ta có thể làm tốt chính là nắm chắc hiện tại.
Đối với những chuyện chưa xảy ra, vội vàng thăm dò, nghe ngóng ngược lại sẽ chỉ khiến mình thêm hoang mang, tâm trạng bị nhiễu loạn, làm việc không thể chuyên tâm, hiện tại không thể chuyên tâm nỗ lực, tương lai vĩnh viễn sẽ chỉ là ảo tưởng.
Ngạn ngữ dân gian Trung Quốc có nói: "đản hành hảo sự, mạc vấn tiền trình", làm tốt chuyện nên làm, nỗ lực cho hiện tại, không hỏi tương lai, không vấn vương quá khứ.
3. Truy cứu tới cùng, không hỏi
Trong học tập, hỏi tới cùng là rất tốt, nhưng trong cuộc sống, truy cứu tới cùng ngược lại sẽ làm tổn thương tình cảm.
"Nước trong không có cá, người quá tò mò không ai chơi", đào tới tận gốc rễ vấn đề, đào càng sâu, vết thương càng lớn.
Hồ đồ là một môn học, đôi khi, giả ngốc, mắt nhắm mắt mở ngược lại lại là một sự bảo vệ. Đối với những việc người khác không muốn bạn biết, vậy thì đừng hỏi tới cùng, cứ nhất thiết phải làm rõ trắng đen mới thôi.
Thế giới không phải trắng đen rõ ràng, giữa trắng và đen còn tồn tại một mảng màu xám.
Bất luận là bạn bè hay người yêu, bất luận là cha mẹ hay con cái, ai cũng đều cần có một không gian hít thở riêng, cũng có những bí mật, cảm xúc không thể nói ra, bạn hiểu là được rồi.

5 không nói

1. Lời vô nghĩa
Lời nói tuy không sắc nhọn nhưng vẫn có thể giết chết một con người.
Người thông minh không nói những điều vô ích, cũng chẳng quan tâm mấy lời vô nghĩa. Lúc rảnh rỗi chi bằng nhìn lại bản thân nhiều hơn, mấy lời nói vô nghĩa chỉ càng làm tốn thời gian.
Lãng phí thời gian là một hành động tự sát chậm rãi, lãng phí thời gian của người khác lại là mưu tài hại mệnh họ.
Người thông minh là những người điều khiển thời gian, mỗi giây mỗi phút, mỗi lời nói ra đều là vàng ngọc, không nói những lời vớ vẩn không đâu.
2. Tiếng lòng
Phàm là nói chuyện với ai, cũng chỉ nên nói 3 phần, đừng dại mà "móc cả trái tim" của mình ra cho người khác thấy.
Vẽ người vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Lòng người cách một lớp da, da người dày mỏng khó đoán, đôi khi những lời thật lòng của bạn lại trở thành con dao người khác dùng để găm vào chính bạn.
Quen biết thì ít mà lời nói ra thì nhiều là đại kị của con người, đừng cứ gặp ai đều ngay lập tức xem là bạn tốt, đừng mang tất cả những lời trong lòng ra nói với người khác.
Quá trình trưởng thành của con người chính là quá trình hiểu ra thế giới vốn dĩ là sự cô đơn, độc lập.
Bớt móc hết tâm can của mình ra cho người khác xem, những chia sẻ, tâm sự của bạn, không phải ai cũng trân trọng, đôi khi nó chỉ là trò cười trong mắt người khác.
Dẫu sao, lời trong lòng cần nói với người thực sự hiểu và muốn hiểu.
3. Lời ca thán
Mất bò làm chuồng chẳng cứu vãn, oán thiên hận người có ích chi. Bớt ca thán, oán than, gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ chính mình.
Ngưỡng mộ người khác, được, nhưng ngưỡng mộ không được trở thành đố kị. Ngưỡng mộ đơn thuần sẽ trở thành động lực thúc bạn tiến về phía trước, không ngừng phấn đấu.
Nhưng ngưỡng mộ khi bị biến chất trở thành đố kị, vậy thì tâm lý sẽ nảy sinh sự mất cân bằng, hành vi sẽ trở nên lệch lạc.
Bớt ca thán lại, đừng trở thành người lan tỏa năng lượng tiêu cực. Con người, ai cũng thích ánh mặt trời ấm áp, chẳng ai thích mây mù âm u. Lời oán thán nhiều rồi, bạn bè tự nhiên sẽ ít đi.
Có sức ngồi ca thán chi bằng bắt tay vào lao động cho có ích.
4. Lời giả dối
Giả không bao giờ có thể thành thật, dù có mỹ hóa tới đâu, lời nói giả dối rồi cũng sẽ có ngày bị xuyên thủng, cũng giống như bong bóng, dù dưới ánh mặt trời có đẹp đẽ tới đâu, rồi cũng sẽ bị nổ.
Người thông minh không nói lời giả tạo. Bạn nói một lời giả dối, phải dùng hàng trăm ngàn sự ngụy biện khác để "nặn tròn" nó, khiến nó trở nên hoàn hảo, cũng giống như lăn quả cầu tuyết vậy, càng lăn càng to, cuối cùng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Một lần bạn nói dối là một lần bạn để lại cho người khác một cái mác không đáng tin, mác gắn lên không dễ, tháo xuống lại càng khó.
5. Lời khoác lác
Biết người là kẻ trí tuệ, biết mình là người thông minh, con người, quý ở tự biết mình.
Người thông minh trước giờ không khoác lác, huênh hoang, không "chém gió". Họ không bao giờ tùy tiện hứa với người khác việc gì nằm ngoài khả năng của mình.
Chỉ người thông minh thực sự mới không để ý tới sĩ diện, không cần phải dùng sự khoác lác để lấp đầy sự hư vinh, sĩ diện hão của mình.
Không khoác lác, người quân tử, lời nói ra chắc như đinh đóng cột, chuyện không làm được nhất định không đồng ý.
Người thực sự thông minh trước giờ không biết mình có thể làm gì, mà biết mình không nên làm những gì.
Không phải lời nào cũng nói, cũng không phải việc gì cũng hỏi, khi bạn học được cách "ngậm miệng" đúng lúc là khi bạn nắm bắt được trí tuệ đời người.

Bài đăng nổi bật

KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ TỐI ƯU THU-PHÁT

KỸ THUẬT] KỸ THUẬT TÁCH & SỬA MẠNG WIFI TRONG TÒA NHÀ. Tất nhiên, trong việc xây dựng một mạng lưới WiFi hiệu suất cao & ổn định, ch...